Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành kinh doanh khách sạn du lịch

Thứ sáu - 17/08/2018 05:18

          Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động vào nhiều ngành, nhiều lĩnh vực ở nước ta. Trong đó, ngành Kinh doanh khách sạn du lịch cũng nhanh chóng phát triển theo mô hình "du lịch thông minh". Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch đặt ra yêu cầu đội ngũ nhân lực phải đảm bảo kỹ năng, nghiệp vụ và thành thạo sử dụng các phần mềm, công nghệ quản lý du lịch thông minh. Vì thế, các cơ sở đào tạo du lịch cần nhanh chóng tiếp cận và đưa các ứng dụng tiên tiến của công nghệ thông minh, trí tuệ nhân tạo vào trong giảng dạy và thực hành.

(Ảnh từ Internet)           

        Việt Nam đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản, nhất là trong ngành công nghiệp du lịch khách sạn. Nhu cầu này càng trở nên cấp thiết  sau khi thỏa thuận ASEAN về tự do luân chuyển nguồn nhân lực ngành Du lịch giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á được triển khai. Tuy nhiên nguồn nhân lực về quản lý khách sạn ở nước ta trong những năm vừa qua chưa được định hình rõ rệt dẫn đến tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Hàng năm các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp trên cả nước ra trường, không ít Sinh viên chuyên ngành quản lý khách sạn. Thế nhưng, phần lớn trong số họ sau khi ra trường không có được công việc đúng với chuyên môn, nếu có thì cũng chỉ “tạm trú” ở các địa bàn nhỏ như khách sạn mini, nhà nghỉ…

1. Tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với ngành kinh doanh khách sạn du lịch

         Ngành Kinh doanh khách sạn du lịch tại Việt Nam đã phần nào khẳng định được vị thế và sự phát triển vượt bậc khi ngày càng có nhiều khách sạn được xếp hạng sao tiêu chuẩn, qua đó tạo dựng lòng tin và thu hút du khách ngoại quốc đến Việt Nam. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với yêu cầu về chất lượng dịch vụ lưu trú ngày càng cao, tiêu chuẩn tuyển dụng nhân sự tại các nhà hàng khách sạn chuẩn sao cũng ngày càng khắt khe hơn. Song song với việc đầu tư về cơ sở vật chất, quy trình đào tạo đội ngũ nhân viên chất lượng đóng vai trò quan trọng, tao nên lợi thế cạnh tranh hiệu quả cho khách sạn trên thị trường.

         Theo khảo sát mới đây, Việt Nam có gần 100 cơ sở tham gia đào tạo du lịch các cấp độ, có khoảng 28.000 học sinh, sinh viên tốt nghiệp ra trường mỗi năm nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 55% nhu cầu xã hội vì thiếu hụt kỹ năng chuyên môn, không thích ứng được với môi trường làm việc tại các nhà hàng, khách sạn chuẩn sao. Điều này phản ánh thực trạng đáng quan ngại về chất lượng nhân sự ngành khách sạn du lịch tại Việt Nam hiện nay. Có thể khẳng định, nhân viên đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của khách sạn du lịch. Họ là những người trực tiếp mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Do đó, muốn nâng cao chất lượng dịch vụ của khách sạn, nhân viên cần được đào tạo bài bản để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của khách sạn cũng như những tiêu chuẩn hiện hành của Chính phủ áp dụng cho ngành khách sạn du lịch hiện nay.

2. Thực trạng đào tạo nguồn nhân lực ngành khách sạn, du lịchViệt Nam hiện nay

a. Thực trạng nguồn nhân lực ngành khách sạn, du lịch Việt Nam

         Theo Tổng cục Du lịch, cả nước hiện có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước; trong đó chỉ 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. Điều này dẫn đến một thực tế là số lao động có chuyên môn, kỹ năng vừa thiếu vừa yếu nhưng lại dư thừa số lao động chưa đáp ứng được yêu cầu.

         Theo dự báo, đến năm 2020 ngành Du lịch cả nước cần trên 2 triệu lao động trực tiếp làm việc cho các cơ sở dịch vụ du lịch, khách sạn;. Mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch, khách sạn. Bên cạnh đó, cơ cấu trình độ nguồn nhân lực du lịch, khách sạn Việt Nam có sự chênh lệch rất lớn; trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng chiếm 51%, trình độ dưới sơ cấp chiếm 40%, trình độ đại học và sau đại học chiếm 9%.

         Nguyên nhân vẫn do Sinh viên ít được cọ xát với thực tế, chưa được trang bị kỹ năng thích hợp nên các nhà quản lý khách sạn trong nước khó đảm nhận được trọng trách. Kết quả, hàng loạt khách sạn lớn, cao cấp phải thuê quản lý người nước ngoài. Việc làm có, cơ hội không khan hiếm nhưng lại khó để nắm bắt. Hầu hết các khách sạn cao cấp như Daewoo, Melia, Furama… đều vấp phải một khó khăn trong việc tìm kiếm nhân viên đã qua đào tạo một cách bài bản, giỏi ngoại ngữ, đặc biệt là nhân viên giỏi tiếng Anh mặc dù hầu hết các Sinh viên tốt nghiệp vào làm việc đều đã qua một khóa đào tạo ngắn hạn của khách sạn.

         Thu nhập của nghề quản lý khách sạn là khá cao, 10 – 18 triệu/tháng đối với những khách sạn cỡ trung, còn ở những khách sạn hạng 3 – 5 sao, thu nhập có thể đạt từ 2.000 USD/tháng trở lên. Bên cạnh đó còn có nhiều khoản thu nhập khác như thưởng doanh thu, đi du lịch nước ngoài, tham gia các đợt tập huấn…

        Nghề quản lý khách sạn du lịch đảm nhiệm nhiều công việc với những yêu cầu khác nhau về kiến thức và kỹ năng. Ngành quản lý và điều hành khách sạn du lịch là ngành học nhiều từ thực tiễn, cho nên các trường thường cân đối tương xứng giữa giờ lý thuyết và thực hành nhằm mang đến sự thoải mái trong quá trình học cũng như cung cấp cho học viên nhiều kinh nghiệm ngay cả khi họ chưa tốt nghiệp. Khi làm việc, do đặc thù môi trường thường xuyên tiếp xúc với nhiều người, nhất là người nước ngoài nên bạn cần tích lũy vốn ngoại ngữ để giao tiếp tốt, đồng thời cần tích lũy kiến thức thực tế, nâng cao kỹ năng quản lý.

b. Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực trong kinh doanh khách sạn nhà hàng

          Việt Nam hiện có hơn 20 trường đang đào tạo về quản lý và điều hành khách sạn du lịch. Hiện nay, hệ thống quản lý các cơ sở đào tạo đang bị phân hóa, chồng chéo và khác biệt. Khối cơ sở đào tạo giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý trực tiếp về chuyên môn; khối cơ sở đào tạo nghề do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Trong khi đó, các quy chế về tuyển sinh, đào tạo, kiểm định, tiêu chuẩn giáo viên… lại do hai Bộ làm riêng; một bên đào tạo theo tín chỉ, một bên đào tạo theo môn học. Điều này dẫn đến sự khác biệt về năng lực của người học ở đầu ra. Chương trình, hệ thống đào tạo cũng không thống nhất giữa các trường dẫn đến tình trạng không công nhận nhau. Sinh viên tốt nghiệp bậc trung cấp, cao đẳng ở trường này muốn liên thông bậc đại học ở trường khác phải học bổ sung nhiều học phần gây mất thời gian, tốn kém.

         Còn việc học liên thông từ các trường nghề lên hệ thống các trường cao đẳng, đại học lại gặp nhiều khó khăn, những người tốt nghiệp trường nghề khi đi làm được đánh giá cao về năng lực quản lý, điều hành cũng gặp trở ngại trong việc đề bạt vì thiếu bằng cấp. Bên cạnh đó, sự phát triển ồ ạt của các cơ sở đào tạo về khách sạn, du lịch trong khi thiếu giáo viên chuyên ngành, hệ thống cơ sở đào tạo đã dẫn đến việc phải hợp thức hóa tên gọi các chuyên ngành theo những cách khác nhau. Chẳng hạn, một số trường khối xã hội nhân văn thì lấy tên: Du lịch học, Việt Nam học…; các trường khối kinh tế, kỹ thuật lại lấy tên: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn… Hệ quả của tình trạng này là tên bằng tốt nghiệp cũng khác nhau, gây lúng túng cho các nhà tuyển dụng.

        Việc phát triển đội ngũ giảng viên có năng lực cũng là yêu cầu cấp bách. Hiện nay, giảng viên chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng, một số ít từ các doanh nghiệp du lịch, nhìn chung còn thiếu thực tế nghề nghiệp. Cộng thêm trình độ ngoại ngữ không cao, chưa thể tự nghiên cứu tài liệu nước ngoài; dẫn đến năng lực thống kê, nghiên cứu, tư vấn phát triển du lịch của sinh viên cũng hạn chế theo.

        Muốn xóa bớt khoảng cách giữa kiến thức được đào tạo trong trường và công việc cụ thể khi ra nghề, đáp ứng tốt nhu cầu đơn vị sử dụng, giải pháp quan trọng là đẩy mạnh liên kết giữa cơ sở đào tạo với các doanh nghiệp. Thời gian qua, các cơ sở đào tạo đã có nhiều nỗ lực để tăng cường gắn kết với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn nhà hàng bằng nhiều hình thức như: cung cấp lao động bán thời gian, tạo điều kiện để doanh nghiệp tuyển chọn nhân viên ngay trong cơ sở đào tạo. Nhiều cơ sở còn mời đại diện các doanh nghiệp tới trao đổi chuyên môn, tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên… Song nhìn chung, các hoạt động này mang tính nhất thời, giữa hai đơn vị chưa có kế hoạch rõ ràng, chi tiết và kế hoạch dài hơi cho từng nội dung hợp tác. Doanh nghiệp chưa được tham gia vào quá trình đào tạo với tư cách là người sử dụng sản phẩm đào tạo để đưa ra tiêu chí tuyển dụng, yêu cầu chuyên môn...

3. Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực ngành kinh doanh khách sạn du lịch

      - Xây dựng quy định về điều kiện cơ sở thực hành áp dụng cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam.

       Các cơ sở đào tạo cần đồng bộ trong việc trang bị phòng thực hành cùng với các phần mền quản lý, ứng  dụng công nghệ thông minh vào giảng dạy các môn chuyên ngành. Để thực hiện giải pháp này, mỗi phân ngành cần ký liên kết với các doanh nghiệp để được phép trang bị phần mền tương tự đối với doanh nghiệp, giúp người học nhanh chóng bắt nhịp khi học tập thực tế, thực tập và làm việc khi ra trường.

      - Xây dựng quy định về chất lượng giảng viên áp dụng cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam.

        Cần quy định các giảng viên tham gia giảng dạy tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch phải có chứng chỉ nghề du lịch Việt Nam, đặc biệt là các giảng viên tham gia giảng dạy các môn nghiệp vụ, hướng dẫn thực hành theo hai phân ngành Lưu trú và Lữ hành.

      - Áp dụng thống nhất về đề cương, bài giảng theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch VTOS và bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Việt Nam.

       Xây dựng giờ học tại trường và giờ thực hành làm việc thực tế tại các doanh nghiệp kinh doanh du lịch song song với nhau là yếu tố rất quan trọng giúp sinh viên nắm chắc được kiến thức và kỹ năng làm việc thực tế được hoàn thiện. Tuy nhiên, hiện nay hầu như toàn bộ các cơ sở đào tạo du lịch không quan tâm và không có tiêu chí để đánh giá được chất lượng sinh viên thực hiện giờ học thực tế.

        Cần xây dựng ngay quy định cụ thể về việc đánh giá bằng điểm đối với giờ học thực tế của sinh viên trong tổng thể điểm hoàn thành môn học. Tức là quá trình đào tạo tại trường và quá trình sinh viên thực hiện giờ học thực tế cần thực hiện song song, chứ không phải như hiện nay kết thúc quá trình học mới cho sinh viên đi thực tập ngoài doanh nghiệp.

      - Gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp và các tổ chức, hiệp hội du lịch trong nước, khu vực và thế giới.

        Cần xây dựng cơ chế mới cho việc đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp kinh doanh về du lịch.  Cụ thể là trong quá trình đào tạo, tới giai đoạn sinh viên học các môn chuyên ngành, đặc biệt là các môn nghiệp vụ các trường được phép đào tạo theo yêu cầu của doanh nghiệp trong khuôn khổ bộ tiêu chuẩn VTOS. Đánh giá giá kết quả của sinh viên sẽ được tiến hành giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp ngay khi ký kết, và tiến hành ngay việc sinh viên học tại trường và học việc thực tế tại doanh nghiệp trong thời gian hoàn tất chương trình học.

        Các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch cần tham gia vào các tổ chức, hiệp hội du lịch trong nước và quốc tế để nắm bắt được xu thế phát triển du lịch của khu vực và thế giới. Đây cũng là một trong những cơ sở để xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực du lịch phù hợp với từng giai đoạn phát triển, từng khu vực và trên thế giới.

       Việt Nam đang trong thời kì hội nhập và phát triển, việc nâng cao kỹ năng nghề thông qua các chương trình đào tạo bài bản theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ giúp nguồn nhân lực ngành kinh doanh khách sạn du lịch của Việt Nam tạo nên thế mạnh cạnh tranh đối với nguồn nhân lực gia nhập từ các nước phát triển khác vào thị trường lao động Việt Nam và nắm bắt cơ hội việc làm giá trị.

Tác giả bài viết: Vũ Hường

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây