Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Seminar “Chất lượng giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra”

Bộ môn Quản trị kinh doanh quản lý 3 chuyên ngành đào tạo bao gồm: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng và Quản trị chế biến món ăn.

          Trong điều kiện toàn cầu hóa và sự bùng nổ tri thức hiện nay trên thế giới, hệ thống giáo dục của nước ta bị đặt vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc. Để tồn tại và bắt kịp với đà phát triển đó, đổi mới giáo dục đào tạo, đặc biệt là giáo dục đại học, là yêu cầu bắt buộc phải làm. Trong chiến lược đổi mới giáo dục đào tạo nói chung, có rất nhiều điều cần làm và phải được tiến hành đồng bộ, song việc nâng cao chất lượng giảng viên là một chiến lược được quan tâm hàng đầu.

         Từ thực trạng trên, đòi hỏi công cuộc đổi mới tại Trường Đại học Sao Đỏ nói chung và khoa Kinh tế nói riêng cần phải tập trung hàng đầu và nhiều hơn cho vấn đề nâng cao chất lượng giảng viên. Xuất phát từ mục tiêu đó, ngày 22/3/2018, Bộ môn Quản trị kinh doanh khoa Kinh tế đã thực hiện nội dung Seminar: “Chất lượng giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra”


1. Thực trạng chất lượng giảng viên bộ môn Quản trị kinh doanh

        Bộ môn Quản trị kinh doanh quản lý 3 chuyên ngành đào tạo bao gồm: Quản trị kinh doanh tổng hợp, Quản trị kinh doanh khách sạn nhà hàng và Quản trị chế biến món ăn. Qua hơn 10 năm xây dựng và trưởng thành, 100% giảng viên bộ môn được đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực khoa học kinh tế và quản trị kinh doanh từ các trường đại học có uy tín tại Việt Nam.

* Trình độ chuyên môn nghiệp vụ:

           Giảng dạy là nhiệm vụ hàng đầu của các Bộ môn chuyên môn. Cùng với sự mở rộng các ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo của Bộ môn không ngừng được đổi mới, số lượng các học phần do Bộ môn đảm nhiệm ngày càng tăng. Hiện nay, Bộ môn đang quản lý 3 chuyên ngành với hơn 50 môn học được giảng dạy cho các ngành khác nhau trong toàn trường. Những năm qua, đội ngũ giảng viên của Bộ môn giảm về số lượng, với chất lượng 100% giảng viên Bộ môn có trình độ từ thạc sỹ trở lên, trong đó có 2 nghiên cứu sinh ngoài nước. Có thể thấy, trình độ giảng viên của bộ môn qua các năm liên tục được nâng cao đáp ứng yêu cầu đào tạo.

            Các giảng viên bộ môn đều có kinh nghiệm giảng dạy trên 5 năm. Các giảng viên đều có kiến thức chuyên sâu về mặt lý thuyết, hầu hết đều có kinh nghiệm thực tế nghề nghiệp. Các giảng viên tích cực vận dụng các phương pháp dạy học tích cực trong bài giảng, gây hứng thú cho sinh viên. Giảng viên chủ nhiệm và giảng viên bộ môn luôn quan tâm, sát sao tới từng sinh viên, động viên và đôn đốc kịp thời các trường hợp cá biệt. Do vậy, chất lượng giảng dạy của bộ môn được đảm bảo, sinh viên tốt nghiệp ra trường có khả năng làm việc đúng ngành nghề và đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp.

Tuy nhiên:

          - Số lượng, cơ cấu đội ngũ giảng viên chưa đáp ứng được yêu cầu trước mắt và lâu dài; tình trạng chênh lệch giữa các thế hệ GV trong mỗi cơ quan, đơn vị còn phổ biến;  thiếu đội  ngũ cán bộ nòng cốt kế cận có trình độ chuyên môn cao.
          - Chất lượng đội ngũ giảng viên hiện nay còn yếu, chưa thực sự tương xứng với đòi hỏi phát triển của đất nước, xã hội và xu thế hội nhập. Cơ cấu thành phần giảng viên, cụ thể là số lượng tiến sĩ (TS), hay ở tỉ lệ TS/GV còn thấp.

* Công tác nghiên cứu khoa học:

            Cùng với công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) là lĩnh vực được Bộ môn đặc biệt quan tâm. Đội ngũ cán bộ giảng viên luôn tích cực tham gia vào hoạt động nghiên cứu và hướng dẫn khoa học. Đề tài cấp trường do giảng viên Bộ môn chủ trì thực hiện được đánh giá cao, phục vụ trực tiếp công tác giảng dạy và nghiên cứu của Bộ môn. Tuy nhiên, đội ngũ giảng viên tham gia nghiên cứu khoa học chưa có đề tài cấp tỉnh, cấp bộ. Thành tích nghiên cứu khoa học của giảng viên còn ít (số lượng bài báo công bố trên tạp chí chuyên ngành, quốc tế chưa nhiều).

           Trong công tác hướng dẫn sinh viên NCKH, đội ngũ cán bộ giảng viên bộ môn đã tích cực hướng dẫn sinh viên tham gia vào các đề tài nghiên cứu. Mỗi năm giảng viên Bộ môn hướng dẫn 1 nhóm sinh viên NCKH. Chất lượng các đề tài NCKH của sinh viên không ngừng được nâng lên, tạo ra nhiều cơ hội cho sinh viên học tập và nghiên cứu. Tuy nhiên số lượng hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học còn ít.

* Đạo đức, lối sống của cán bộ giảng viên:

         Để xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên “toàn diện”, Bộ môn QTKD luôn coi trọng việc xây dựng và giữ gìn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ giảng viên trước sự tác động của nền kinh tế thị trường và những biểu hiện lệch lạc trong đời sống xã hội.

          Đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gư­ơng cho người học noi theo. Trong những năm qua, giảng viên bộ môn đã tích cực thực hiện và tham gia các hội thi, phát động nhiều phong trào nhằm đề cao việc xây dựng phẩm chất đạo đức lối sống mẫu mực cho đội ngũ cán bộ, giảng viên do nhà trường và khoa tổ chức. Đặc biệt, thông qua việc triển khai Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
         Thông qua nhiều phong trào, hội thi, cuộc vận động, đội ngũ cán bộ giảng viên Bộ môn QTKD luôn đã thực hiện tốt những chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp: Tâm huyết với nghề, có ý thức giữ gìn danh dự, lương tâm nhà giáo; có tinh thần đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ đồng nghiệp trong cuộc sống và trong công tác; có lòng nhân ái, bao dung, độ lượng, đối xử hoà nhã với người học, với đồng nghiệp; sẵn sàng giúp đỡ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người học, đồng nghiệp và cộng đồng; tận tụy với công việc; thực hiện đúng điều lệ, quy chế, nội quy của đơn vị, nhà trường, của ngành; công bằng trong giảng dạy và giáo dục, đánh giá đúng thực chất năng lực của người học; thực hành tiết kiệm, chống bệnh thành tích, chống tham nhũng, lãng phí; tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục.

* Trình độ tin học, ngoại ngữ của cán bộ giảng viên:

         Các giảng viên đều nhận thức rõ được tầm quan trọng của tiếng anh và tin học. Trình độ ngoại ngữ, tin học của cán bộ giảng viên hầu hết đạt trình độ B. Hàng năm các giảng viên bộ môn đã tích cực tham gia các lớp học tiếng Anh do nhà trường đã tổ chức. Một số giảng viên dành thời gian tự học tiếng Anh để nâng cao khả năng ngoại ngữ phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, giảng viên cũng đãbước đầu sử dụng ngoại ngữ để giảng dạy.

       Tuy nhiên, trình độ tiếng anh của giảng viên bộ môn QTKD chưa đáp ứng được các hoạt động hội thảo, trao đổi học thuật và hoạt động nghiên cứu tài liệu nước ngoài phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

* Chất lượng các dịch vụ xã hội:

        Giảng viên bộ môn QTKD đã tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính như thựchiện và vận hành QMS ISO 9001:2008 về quản lý chất lượng, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tư vấn việc làm cho sinh viên... Trong lĩnh vực chuyên môn, các giảng viên tham dự và tổ chức các hội thảo khoa học. Đối với cộng đồng, giảng viên bộ môn thực hiện các dịch vụ như tư vấn tuyển sinh, cung cấp thông tin, viết báo, áp dụng các kiến thức khoa học vào đời sống cộng đồng, truyền bá kiến thức khoa học và nâng cao dân trí …

2. Một số vấn đề đặt ra

       Với mục tiêu hoàn thành mục tiêu chiến lược của Nhà trường đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025, bộ môn Quản trị kinh doanh có những định hướng đến năm 2025 như sau:

       - Cần xác định việc bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn là yêu cầu tất yếu; vừa là trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp vừa là vấn đề quyết định vị trí công tác, mức độ tín nhiệm của sinh viên, đồng nghiệp và nhà quản lý đối với giảng viên; tự ý thức về lương tâm, trách nhiệm nghề nghiệp của mình, tránh tâm lý an phận, tự thoả mãn.
      - Thường xuyên tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ, tri thức, kỹ năng; có tư duy mở, linh hoạt, chủ động tiếp cận tri thức, phương pháp mới; lựa chọn, thử nghiệm và tự đánh giá phương pháp, kỹ năng đào tạo của mình.
      - Đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học. Thường xuyên tìm tòi, mạnh dạn áp dụng cách thức tổ chức dạy học, phương pháp đào tạo tích cực, chủ động, giúp sinh viên tiếp cận, lĩnh hội tri thức cũng như khả năng ghi nhớ, vận dụng kiến thức trong thực tiễn.
       - Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phấn đấu có nhiều công trình nghiên cứu đạt chất lượng và hiệu quả ở các cấp cao hơn. Xác định rõ mục tiêu nghiên cứu là làm lợi, là áp dụng trong công tác chuyên môn,…chứ không phải là hoạt động đối phó.
      - Thường xuyên tổ chức các buổi thảo luận, sinh hoạt học thuật, trao đổi kiến thức chuyên môn và kiến thức thực tế, khả năng ngoại ngữ cho giảng viên.
      - Thường xuyên tổ chức các buổi học tập, trải nghiệm thực tế giúp giảng viên tiếp cận và học hỏi các kinh nghiệm và kiến thức thực tiễn.
      - Tích cực học tập nâng cao trình độ ngoại ngữ mọi lúc, mọi nơi để có thể áp dụng ngoại ngữ vào công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

       Trong tương lai, Bộ môn Quản trị kinh doanh phấn đấu không ngừng tăng cường chất lượng đội ngũ, cải tiến nội dung và chương trình giảng dạy để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đào tạo của Nhà trường và xã hội.Giúp nhà trường có được đội ngũ giảng viên đủ về số lượng, mạnh về chất lượng. Để làm được điều đó thì việc phát triển giảng viên không phải là việc làm một lần là xong, trong điều kiện bùng nổ tri thức hiện nay, công việc này cần được coi là công việc thường xuyên, liên tục của toàn trường, từng khoa, bộ môn và mỗi giảng viên.

      Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ giảng viên là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường. Điều đó không chỉ quyết định bằng các chủ trương chính sách mà cần có sự tích cực hưởng ứng và tự giác thực hiện của toàn thể cán bộ giảng viên. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo theo định hướng ứng dụng, góp phần quan trọng khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường trong xã hội.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây