TỔNG QUAN VỀ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU

Thứ sáu - 10/11/2023 15:53

ỔNG QUAN VỀ NHƯỢNG QUYỀN THƯƠNG HIỆU
Tóm tắt

Nhượng quyền thương hiệu là cho phép một cá nhân, tổ chức nào đó kinh doanh một sản phẩm, một mô hình, một cách thức kinh doanh dựa trên hình thức và phương pháp kinh doanh đã có trên thị trường từ trước. Nhượng quyền thương hiệu là một xu hướng, một cơ hội kinh doanh tốt nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Việc hiểu rõ nhượng quyền thương hiệu sẽ giúp các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động kinh doanh tốt hơn.

Từ khóa: Thương hiệu, nhượng quyền thương hiệu, kinh doanh.

  1. Đặt vấn đề

Nhượng quyền thương hiệu là hoạt động kinh doanh được áp dụng rộng rãi và phổ biến trong nhiều lĩnh vực. Theo Hiệp hội nhượng quyền quốc tế – IFA ước tính có khoảng 120 ngành đang hoạt động trong lĩnh vực cấp phép nhượng quyền. Mặt khác mô hình này được dự báo sẽ ngày càng phát triển, bất kể lĩnh vực hoạt động kinh doanh nào cần có sở hữu trí tuệ đều có thể hoạt động kinh doanh nhượng quyền.

Nhượng quyền thương hiệu bắt nguồn từ Mỹ, thế nhưng, một vài người tin rằng nhượng quyền đã xuất hiện trước đó tại Trung Quốc. Thương vụ nhượng quyền kinh doanh đầu tiên được công nhận là vào năm 1851 với một thương hiệu máy khâu của Mỹ. Nhượng quyền thương hiệu đã trở thành một ngành công nghiệp béo bở. Với hơn 950 doanh nghiệp nhượng quyền ở Vương quốc Anh và Ireland và vô số doanh nghiệp khác trên khắp thế giới, nhượng quyền thương hiệu hiện là một trong những phương pháp thành công nhất để khởi động một doanh nghiệp mới. Nhượng quyền hình thức kinh doanh là một mô hình hiệu quả cho những người muốn “kinh doanh cho chính họ – nhưng không phải cho chính họ” được các ngân hàng công nhận là phương pháp an toàn và khôn ngoan hơn để thành lập một tổ chức mới.

Nhượng quyền là hình thức kinh doanh cho phép cá nhân hoặc tổ chức nào đó được quyền kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo hình thức, phương pháp kinh doanh gồm: Thương hiệu, công nghệ, cách quản lý của bên nhượng quyền tại một địa điểm, trong một thời gian nhất định với khoản phí hay phần trăm lợi nhuận/ doanh thu theo thỏa thuận.

Nhượng quyền thương hiệu (Franchise) tương tự như nhượng quyền nhưng cụ thể là sử dụng thương hiệu/tên của sản phẩm hoặc dịch vụ nhất định để kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định với một vài ràng buộc. Hiện nay, hình thức kinh doanh nhượng quyền ngày càng phổ biến và được ưa chuộng trong nhiều lĩnh vực như nhà hàng, quán cafe, trà sữa, thời trang, spa,... Loại hình kinh doanh này có nhiều ưu điểm và hạn chế được các rủi ro khi bắt đầu khởi nghiệp.

Không phải ai cũng phù hợp với quyền sở hữu công ty. Đối với những cá nhân không thể phát triển những điều tuyệt vời tiếp theo, nhượng quyền thương hiệu sẽ đưa ra một chiến lược kinh doanh khả thi. Những người không phải là doanh nhân thực sự nhưng vẫn mong muốn trở thành ông chủ của chính họ và quản lý một doanh nghiệp của riêng họ.

  1. Khái niệm về nhượng quyền thương hiệu

          Nhượng quyền thương hiệu (Franchise) là thuật ngữ để nói về một hình thức kinh doanh của cá nhân hay tổ chức nào đó được phép dùng thương hiệu của một sản phẩm, dịch vụ của bên nhượng quyền để kinh doanh trong một khoảng thời gian nhất định. Tuy nhiên với điều kiện bên được nhượng phải đồng ý các thỏa thuận của bên nhượng lại thương hiệu.

          Kinh doanh nhượng quyền (Franchise) là hình thức một cá nhân hoặc tổ chức kinh doanh một sản phẩm, một mô hình, một cách thức kinh doanh dựa trên phương pháp kinh doanh đã có trên thị trường từ trước. Cá nhân hay tổ chức nhận nhượng quyền phải trả một khoản phí nhất định theo tháng hoặc năm để duy trì hoạt động kinh doanh. Kinh doanh nhượng quyền là hình thức trả phí để kinh doanh bằng tên thương hiệu người khác đã xây dựng.

Các hình thức kinh doanh nhượng quyền

  • Nhượng quyền kinh doanh toàn diện (Full business format franchise) là hình thức nhượng quyền “trọn gói”. Khi nhượng quyền kinh doanh toàn diện, bên cung cấp nhượng quyền sẽ cho phép bên nhận nhượng quyền nhận 4 nội dung chính:

+ Hệ thống kinh doanh: Chiến lược, mô hình, quy trình vận hành được chuẩn hóa, chính sách quản lý, cẩm nang điều hành, huấn luyện, tư vấn và hỗ trợ khai trương, kiểm soát, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo.

+ Bí quyết công nghệ sản xuất/kinh doanh, chẳng hạn như công thức pha chế.

+ Hệ thống thương hiệu.

+ Sản phẩm/dịch vụ.

Bên nhận nhượng quyền sẽ trả một khoản phí để bên nhượng quyền hỗ trợ các công đoạn: Thiết kế và trang trí cửa hàng, hướng dẫn địa điểm mua nguyên liệu và trang thiết bị, hỗ trợ Marketing,… Đây là hình thức nhượng quyền được áp dụng phổ biến ở thị trường Việt Nam.

Ví dụ: Nếu bạn nhận nhượng quyền cafe từ thương hiệu Highlands Coffee, bạn sẽ nhận được hỗ trợ từ bên nhượng quyền từ khâu thiết kế, nguyên liệu, công thức cho đến máy móc và giấy phép kinh doanh.

  • Nhượng quyền mô hình kinh doanh không toàn diện (Non-business format franchise) là hình thức nhượng quyền một mảng nào đó trong hệ thống kinh doanh. Ví dụ như nhượng quyền sản phẩm, nhượng quyền công thức và tiếp thị hoặc nhượng quyền hình ảnh thương hiệu. Với mô hình nhượng quyền này, bên nhượng quyền sẽ không giám sát và can thiệp quá nhiều trong khâu vận hành cũng như sản xuất của bên nhận nhượng quyền.
  • Nhượng quyền có tham gia quản lý (Management franchise): Hình thức này thường được áp dụng tại các thương hiệu lớn. Ngoài việc cung cấp hình thức kinh doanh và thương hiệu thì bên nhượng quyền cung cấp người quản lý và điều hành cho bên nhận nhượng quyền nhằm giúp việc giám sát cũng như vận hành quy trình kinh doanh dễ dàng hơn. KFC là ví dụ điển hình. Thương hiệu này yêu cầu nhượng quyền có sự tham gia quản lý từ công ty chính để luôn đảm bảo sự đồng bộ trong chất lượng sản phẩm và dịch vụ của họ.
  • Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn (Equity franchise): Ngoài việc nhượng quyền thương hiệu của mình, bên nhượng quyền cũng sẽ đầu tư một số nhỏ tiền vào cửa hàng nhận nhượng quyền. Điều này giúp bên nhượng quyền có ảnh hưởng trong hoạt động kinh doanh của cửa hàng.

3. Ưu điểm và nhược điểm của nhượng quyền thương hiệu

3.1. Ưu điểm của nhượng quyền thương hiệu

a. Đối với bên nhượng quyền

+ Mở rộng thị trường, thăm dò được hiệu quả đầu tư khi thâm nhập được vào các thị trường mới một cách nhanh chóng với chi phí và rủi ro thấp.

+ Giảm thiểu chi phí cho hoạt động quảng cáo thương mại nhưng sản phẩm vẫn có sức lan tỏa rộng rãi.

+ Có thêm được nguồn thu ổn định từ khoản phí nhượng quyền từ các bên nhận nhượng quyền.

+ Bên nhượng quyền có thể tận dụng kiến thức của bên nhận quyền để tìm hiểu và phát triển thị trường nước ngoài.

b. Đối với bên nhận nhượng quyền thương mại

+ Không cần tốn thời gian, tiền của và công sức để xây dựng thương hiệu từ đầu. Khi được nhượng quyền thương hiệu, bên nhận nhượng quyền chỉ cần kinh doanh dưới danh nghĩa bên nhượng quyền, thừa hưởng uy tín của thương hiệu đó.

+ Các sản phẩm, dịch vụ và toàn bộ hệ thống hoạt động đều được chuẩn hóa từ bên nhượng quyền.

+ Được tập huấn và tiếp thu các bí quyết kinh doanh, nhận được sự hỗ trợ thường xuyên từ bên nhượng quyền.

+ Có được nguồn cung nguyên liệu giá rẻ và đảm bảo – một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến lợi nhuận trong kinh doanh.

3.2. Nhược điểm của nhượng quyền thương hiệu

a. Đối với bên nhượng quyền

+ Việc duy trì kiểm soát đối với bên nhận quyền có thể gặp khó khăn. Do hoạt động tại nhiều thị trường đa dạng và phức tạp, nguy cơ tạo ra các đối thủ là rất lớn. Người nhượng quyền phải chia sẻ các bí mật kinh doanh và kiến thức chuyên môn. Khi hợp đồng chuyển nhượng chấm dứt, một số công ty nhận quyền sẽ lợi dụng kiến thức mới thu được để tiếp tục kinh doanh, thường là bằng cách thay đổi chút ít tên nhãn hàng hay thương hiệu của hãng chuyển nhượng.

+ Bất đồng với bên nhận quyền có thể xảy ra , bao gồm cả những tranh chấp pháp lý.

+ Hoạt động kém hiệu quả của một bên nhận nhượng quyền sẽ ảnh hưởng đến uy tín của thương hiệu trên thị trường.

+ Bên nhận quyền có thể lợi dụng kiến thức thu được và trở thành đối thủ tương lai.

b. Đối với bên nhận quyền thương mại

+ Sự bùng nổ của các đối thủ cạnh tranh, của các bên nhận nhượng quyền khác trong cùng hệ thống.

+ Bên nhận quyền không thể phát huy được khả năng sáng tạo trong kinh doanh do hoạt động kinh doanh một cách khuôn khổ theo các quy định đã được đặt ra từ trước.

+ Bên nhượng quyền có thể áp đặt các hệ thống kỹ thuật hay quản lý không phù hợp với bên nhận quyền.

+ Khoản đầu tư ban đầu có thể mang giá trị lớn.

Trên thực tế ta thấy phần lớn các công ty nhỏ thường không có nhiều nguồn lực, năng lực quản lý còn yếu kém, uy tín thương hiệu chưa cao, lượng khách hàng không ổn định. Vì vậy, khi các công ty này tham gia thị trường kinh doanh với nhiều đối thủ mạnh khác thường thất bại, sớm lâm vào tình trạng phá sản.

Bên cạnh đó, ưu điểm lớn nhất của mô hình nhượng quyền thượng mại đối với bên nhận quyền là cho phép họ bắt đầu tiến hành kinh doanh bằng một mô hình đã được kiểm nghiệm với những yếu tố cải thiện sự thiếu hụt hiện tại của họ. Không những vậy vệc nhượng quyền không khác gì việc sao chép những hoạt động kinh doanh được coi là hiệu quả nhất. Nó khiến cơ hội thành công của các doanh nghiệp nhỏ tăng lên nhanh chóng nhờ tái tạo những mô hình kinh doanh có thực và đã được kiểm chứng.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những bất lợi doanh nghiệp có thể gặp khi lựa chọn mô hình này nhưng đối với những công ty vừa và nhỏ thì đây là một trong những lựa chọn tối ưu để phát triển, đảm bảo sự ổn định ban đầu cho hoạt động kinh doanh của mình.

4. Các tiêu chí khi lựa chọn hình thức kinh doanh nhượng quyền

Khả năng tài chính: Trước khi xem xét lựa chọn thương hiệu để kinh doanh nhượng quyền, bản thân cần “cân đo” nguồn tài chính của mình xem sẽ phù hợp với giá của thương hiệu nào?

Điều kiện nhượng quyền: Bên cạnh việc đánh giá chi phí nhượng quyền, bản thân cần xem xét các điều kiện nhượng quyền của thương hiệu đó nữa. Như điều khoản của KFC là vị trí của bạn phải đặt ở khu vực trung tâm, mặt đường lớn hoặc các tòa nhà to. Diện tích mở phải lớn hơn 150m2, v.v… Khi xác định nhượng quyền KFC, doanh nghiệp có đáp ứng đủ được những yêu cầu trên?

Hiệu quả kinh doanh: Bản thân cần tìm hiểu thêm về tình hình kinh doanh, doanh thu của các thương hiệu nhượng quyền. Không ai lại bỏ ra số tiền lớn để nhận nhượng quyền một thương hiệu sắp sụp đổ hay có tình hình kinh doanh kém cả. Lưu ý, sau khi xác định thương hiệu nhượng quyền, cần khảo sát thêm vị trí mình mở có bao nhiêu quán cùng chuỗi. Nếu hai quán nhượng quyền ở cạnh nhau, khách hàng của doanh nghiệp sẽ bị chia sẻ.

5. Kết luận

Hiện nay, tại các nước phát triển như Mỹ, Úc,… có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố các thương hiệu được phổ cập theo mô hình nhượng quyền. Còn đối với thị trường Việt Nam, nhượng quyền thương mại còn khá non trẻ. Chính vì vậy, những luật lệ về nhượng quyền thương hiệu, cách thức công ty tư vấn, hỗ trợ dành cho kinh doanh nhượng quyền còn đơn giản. Tuy nhiên, theo xu hướng phát triển thì trong những năm tới, nhượng quyền thương hiệu Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ. Nhượng quyền thương hiệu không phải là một mô hình kinh doanh ngắn hạn, nó là một cuộc đầu tư lâu dài và sẽ là xu hướng kinh doanh của Việt Nam. Doanh nghiệp nếu có ý định kinh doanh nhượng quyền hoặc xây dựng một thương hiệu hướng đến cho nhượng quyền thương hiệu thì cần xây dựng những nền tảng vững trong hệ thống quản lý, tiềm lực kinh tế, sức mạnh thương hiệu,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ Công Thương (2022). Nhượng quyền thương mại vào Việt Nam. Truy cập tại: https://moit.gov.vn/nhuong-quyen-thuong-mai;

2. Nguyễn Thị Liên Hương (2018), nhượng quyền thương mại tại Việt Nam, Luận văn Thạc sỹ quản trị kinh doanh, Học viện Khoa học xã hội;

3. Nguyễn Thị Phương Thảo (2020), nhượng quyền thương mại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, http://consosukien.vn/nhuong-quyen-thuong-mai-vietnam-thuc-trang-va-giai-phap.htm.

4. https://vnfranchise.vn/kien-thuc/kien-thuc-nhan-quyen/

5. https://posapp.vn/nhuong-quyen

6. https://gobranding.com.vn/nhuong-quyen-thuong-hieu-la-gi/

Tác giả bài viết: Ths.Nguyễn Thị Ngọc Mai - Giảng viên khoa Kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây