Lịch sử ra đời và ý nghĩa của ngày Nhà giáo 20/11

Thứ sáu - 01/11/2024 10:35

Ngày Nhà giáo 20/11 là một ngày lễ quan trọng và quen thuộc với bất kỳ ai trong mỗi chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về lịch sử ra đời cũng như ý nghĩa của ngày này. Sau đây, cùng tìm hiểu về lịch sử ra đời ngày 20/11 nhé!

Vào tháng 01/1946, tại Paris - thủ đô nước Pháp, một tổ chức quốc tế các nhà giáo tiến bộ đã ra đời với tên gọi là FISE (Fédération Internationale Syndicale des Enseignants - Liên hiệp Quốc tế các Công đoàn Giáo dục). Năm 1949, tại Hội nghị quốc tế Vacsava (Ba Lan), FISE đã xây dựng bản “Hiến chương các nhà giáo” gồm 15 chương. Nội dung Hiến chương tập trung vào việc đấu tranh chống lại hệ thống giáo dục tư bản, phong kiến; xây dựng một nền giáo dục tiến bộ, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các nhà giáo.

Ở Việt nam, trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, Công đoàn Giáo dục Việt Nam liên kết với FISE để tố cáo âm mưu xâm lược của đế quốc đối với nhân dân ta, đồng thời giới thiệu thành tích của nền giáo dục cách mạng. Vào mùa xuân năm 1953, dưới sự hướng dẫn của Thứ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Nguyễn Khánh Toàn, Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã tham gia hội nghị FISE tại Viên (Áo) và trở thành thành viên của tổ chức này. Từ ngày 26 đến 30/8/1957, tại Thủ đô Vacsava (Ba Lan), hội nghị FISE với sự tham gia của 57 quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã quyết định chọn ngày 20 tháng 11 làm Ngày Quốc tế Hiến chương các nhà giáo.

Lần đầu tiên, vào ngày 20/11/1958, ngày "Quốc tế Hiến chương các nhà giáo" được tổ chức trên khắp miền Bắc nước ta. Ngày 28/9/1982, theo nghị định của ngành Giáo dục, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 167 - HĐBT về ngày Nhà giáo Việt Nam, chính thức xác định ngày 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày này trở thành ngày truyền thống của ngành giáo dục để tôn vinh và tri ân những người làm công tác trồng người. Điều này vô cùng phù hợp với một dân tộc hiếu học và truyền thống tôn sự trọng đạo như Việt Nam.

Ngày 20/11 không chỉ là một ngày lễ, mà còn là dịp để khơi dậy và gìn giữ những giá trị văn hóa tốt đẹp này. Nó nhắc nhở chúng ta về trách nhiệm của mình trong việc học tập, rèn luyện và trở thành những công dân có ích cho xã hội, đồng thời luôn biết trân trọng những người đã góp phần vào sự phát triển của mình.

Ngày Nhà giáo cũng là cơ hội để học sinh, sinh viên gửi những lời chúc tốt đẹp và những món quà ý nghĩa đến thầy cô, dù là ở gần hay xa. Đây là dịp để các thế hệ nối tiếp nhau, gắn kết tình cảm thầy trò, đồng thời tạo ra không khí ấm áp, yêu thương trong cộng đồng giáo dục.

Ngày này cũng là dịp để mỗi người trong chúng ta suy ngẫm về vai trò của giáo dục trong cuộc sống. Hãy luôn ghi nhớ rằng, thành công của mỗi người đều có dấu ấn từ những người thầy, người cô – những người đã dạy dỗ và đồng hành cùng chúng ta trên con đường tri thức. Ngày 20/11 chính là dịp để thế hệ học sinh thể hiện lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đến thầy cô giáo của mình. Dù đang ngồi hay đã rời xa ghế nhà trường, cứ đến ngày 20/11, mọi người đều hướng về các thầy cô giáo, gửi những lời chúc, những món quà tốt đẹp đến những người thầy, người cô đáng kính của mình.

Ths. Lương Thị Hoa

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây