Để giảm được chi phí thì trước hết các đơn vị phải nhận biết được tại đơn vị mình có những loại chi phí nào. Chi phí nào tạo ra giá trị, chi phí nào không tạo ra giá trị cho mình. Các chi phí tại các đơn vị có thể chia thành hai loại là chi phí chất lượng và chi phí không chất lượng. Chi phí chất lượng là các chi phí góp phần tạo ra giá trị cho đơn vị (bao gồm các chi phí cho nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, nhân công cho sản xuất, chi phí cho sự phòng ngừa sai sót, chi phí kiểm tra quá trình…), còn chi phí không chất lượng là các chi phí không tạo ra giá trị cho tổ chức (bao gồm các chi phí như chi phí làm lại, phế liệu, chi phí do dừng máy, tai nạn, chi phí giải quyết khiếu nại, xử lý sản phẩm không phù hợp, sản phẩm bị khách hàng trả về…).
Các chi phí không chất lượng khiến cho doanh nghiệp bị giảm lợi nhuận, đẩy giá thành sản phẩm lên cao và gây thất thoát cho doanh nghiệp. Những chi phí không chất lượng còn được gọi là các lãng phí trong sản xuất. Theo các chuyên gia năng suất các lãng phí trong sản xuất thường có 7 loại sau:
1. Lãng phí thời gian do chờ đợi hay trì hoãn
Lãng phí này thường gặp ở các đơn vị sản xuất như một công nhân hay một thiết bị không thể tiến hành công việc của mình do phải chờ một hoạt động khác kết thúc hoặc phải chờ nguyên vật liệu chuyển đến. Để giảm thiểu lãng phí này doanh nghiệp cần lập kế hoạch sản xuất phù hợp, bố trí nhân lực, thiết bị phù hợp theo từng công đoạn.
2. Lãng phí về vận chuyển hay di chuyển
Trong quá trình sản xuất, hoạt động nguyên liệu, trang thiết bị phục vụ sản xuất, bán thành phẩm phải vận chuyển, di chuyển không cần thiết. Điều này thường xảy ra khi việc sắp xếp nơi làm việc không hợp lý, quy trình sản xuất không phù hợp dẫn đến những vận chuyển hoặc di chuyển không cần thiết gây ra lãng phí vì vậy doanh nghiệp cần sắp xếp khu vực sản xuất đảm bảo: Quá trình sản xuất đi theo một chiều từ khâu nguyên liệu tới thành phẩm giảm thiểu vận chuyển trung gian; các dụng cụ, thiết bị cần cho sản xuất được để thuận tiện cho việc sử dụng và không có đồ vật và thiết bị không cần thiết cho sản xuất ở khu vực sản xuất.
3. Lãng phí trong quá trình hoạt động
Đây có thể coi là loại lãng phí khó nhìn thấy rõ và phần lớn là ẩn trong các hoạt động thường ngày của mỗi người. Chẳng hạn, với cùng một công việc mỗi người lại có cách giải quyết khác nhau và thời gian hoàn thành công việc khác nhau. Rõ ràng, cuối cùng mọi người đều đạt đến kết quả nhưng có người phải dùng nhiều thời gian và các nguồn lực khác hơn để hoàn thành công việc. Để giảm được lãng phí này cần quy trình hóa các công đoạn, xây dựng các hướng dẫn công việc, tiêu chuẩn cho mỗi công đoạn và có biện pháp quản lý quá trình hiệu quả.
4. Lãng phí do tồn kho thành phẩm hoặc bán thành phẩm
Nếu một doanh nghiệp mà nhà kho luôn chứa đầy nguyên vật liệu, bán thành phẩm hay thành phẩm thì doanh nghiệp đó đang lãng phí một khoản tiền lớn. Lưu kho quá nhiều tức là doanh nghiệp đang bị tồn đọng vốn mà lẽ ra lượng vốn đó có thể được dùng cho những mục đích quan trọng khác hoặc sẽ không phải trả lãi suất vay cho nguồn vốn đó. Mặt khác, lưu kho nhiều còn dẫn đến các chi phí khác như thuê mặt bằng nhà kho, chi phí bảo quản hoặc các chi phí do hỏng hóc … Bên cạnh đó trên địa bàn tỉnh có nhiều công ty sản xuất, chế biến nông sản mà nông sản có tính mùa vụ nên cần sản xuất để trữ hàng cho cả năm. Vì vậy doanh nghiệp cần cân đối giữa nhu cầu khách hàng, khả năng bán hàng với năng lực sản xuất. Cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng gian đoạn giúp quản lý hoạt động được tốt hơn.
5. Lãng phí do các động tác thừa
Khi một người công nhân lấy một chi tiết sản phẩm lên, đặt nó xuống hay tìm kiếm nó thì chỉ tạo ra các cử động. Các cử động này không làm gia tăng giá trị cho chính chi tiết sản phẩm đó. Để giảm thiểu các động tác thừa doanh nghiệp cần xây dựng các bộ thao tác chuẩn cho mỗi quá trình cụ thể và đào tạo công nhân áp dụng các thao tác chuẩn đó trong sản xuất.
6. Lãng phí do sản xuất lỗi
Sản phẩm sản xuất ra không đáp ứng được yêu cầu. Sản phẩm lỗi không chỉ dẫn đến các chi phí trực tiếp cho doanh nghiệp mà còn kéo theo cả các chi phí gián tiếp như chi phí khắc phục, chi phí tiêu hủy hay chi phí cho bồi thường giải quyết khiếu nại. Vì vậy các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc kiểm soát quá trình sản xuất để quá trình sản suất của mình đạt hiệu quả tốt nhất. Để quản lý hiệu quả doanh nghiệp có thể xây dựng các tiêu chuẩn cho mỗi công đoạn để ngăn ngừa ngay từ đầu việc sản xuất ra các sản phẩm lỗi.
7. Lãng phí do sản xuất thừa
Sản xuất thừa sẽ dẫn đến rất nhiều chi phí bổ sung cho doanh nghiệp. Có thể kể ra một số như: chi phí lưu kho, chi phí bảo quản, chi phí nhân lực, chi phí hành chính, chi phí thiết bị, chi phí tài chính v.v.
Vậy làm thế nào để nhận diện và loại bỏ được các loại lãng phí này? Để thực hiện điều này thì mỗi công ty đơn vị cần có định hướng sản xuất, kinh doanh phù hợp; cần xây dựng kế hoạch sản xuất hợp lý đảm bảo đáp ứng yêu cầu khách hàng mà không gây lãng phí cho mình; sắp xếp nơi làm việc hợp lý đảm bảo nguyên tắc: Cái gì cần cho sản xuất thì mới được để nơi sản xuất, đồ đạc – trang thiết bị - dụng cụ - nguyên vật liệu sắp xếp sao cho an toàn, đảm bảo tính sẵn có, thuận tiện cho sản xuất; cần có biện pháp quản lý quá trình phù hợp với đặc điểm của mình để đạt hiệu quả cao trong quản lý….
Lợi ích của việc phát hiện ra 7 loại lãng phí?
Phát hiện 7 loại lãng phí là cách nó tìm ra các khu vực có cơ hội cải tiến nhằm làm giảm những hoạt động không hiệu quả.
Nó sẽ giúp cải thiện hiệu quả của tổ chức bạn bằng cách chỉ rõ những khu vực cần cải tiến và đảm bảo được các mục tiêu:
- Sản xuất vừa đúng lúc, đáp ứng yêu cầu sản xuất đúng thời hạn
- Bố trí sắp xếp nơi làm việc hợp lý nhằm đạt hiệu quả
- Đánh giá quá trình của bạn bằng việc sử dụng hiệu quả nguồn lực
- Chỉ mua đúng thứ bạn cần khi thấy cần dùng đến
- Sản xuất mà không có hàng bị sai lỗi
- Sản xuất những gì mà bạn biết là có thể bán được.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn