BIỆN PHÁP PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM

Chủ nhật - 24/12/2023 21:22
  1. Mở đầu

Trong thời gian qua, việc xuất khẩu tăng trưởng nhanh đã thể hiện năng lực sản xuất, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam cũng như vị thế của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tại nhiều thị trường trên thế giới. Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở lớn, hàng Việt có cơ hội xâm nhập vào nhiều thị trường. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng đi vào chiều sâu. Bên cạnh đó, hàng hoá nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam cũng được mở rộng. Từ đó xuất hiện những dấu hiệu của việc cạnh tranh không lành mạnh của hàng hoá nước ngoài tại thị trường Việt Nam. Vì vậy, ngoài việc bắt buộc phải đáp ứng những tiêu chuẩn riêng của từng thị trường về chất lượng, quy trình sản xuất… thì doanh nghiệp cần lưu ý các biện pháp phòng vệ thương mại có thể bị áp dụng.

Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết theo WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA), các nước cắt giảm thuế nhập khẩu. PVTM là công cụ hợp pháp để hỗ trợ nền kinh tế, các ngành sản xuất tồn tại, phát triển trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Phòng vệ thương mại là một phần trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia và được WTO công nhận.

Phòng vệ thương mại là biện pháp mà một nước sử dụng để tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất trong nước thông qua hạn chế nhập khẩu đối với một hoặc một số loại hàng hoá nhập khẩu bị bán phá giá, được trợ cấp tăng nhanh đột biến, gây ra hoặc đe doạ gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Điều cần lưu ý là biện pháp tự vệ chỉ được áp dụng đối với hàng hoá, không áp dụng đối với dịch vụ, đầu tư hay sở hữu trí tuệ.

Các biện pháp sử dụng trong phòng vệ thương mại là: Chống bán phá giá, chống trợ cấp và biện pháp tự vệ (điều 67 luật quản lý ngoại thương).

Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cũng không quy định cụ thể về hành vi lẩn tránh. Bên cạnh đó, pháp luật về các hành vi lẩn tránh “bất hợp pháp” của các nước cũng rất khác nhau và thường xuyên thay đổi, gây khó khăn cho việc tuân thủ của các doanh nghiệp.

Việt Nam là một quốc gia chủ động và tích cực tham gia vào tiến trình hội nhập, Việt Nam tiếp tục là một thành viên có trách nhiệm của WTO và đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực. Tính đến nay Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với cam kết toàn diện như Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP).

Theo Bộ Công Thương, mặc dù WTO và các Hiệp định thương mại tự do đều hướng đến mục tiêu dỡ bỏ các rào cản thương mại và tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại phát triển, nhưng thực tế vẫn cho phép các nước thành viên sử dụng một số công cụ chính sách thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước đối với hàng hóa nhập khẩu. Cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của ta đang trên đà tăng trưởng mạnh đồng nghĩa bị đối diện trước các vụ kiện phòng vệ thương mại.

  1. Thực trạng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị áp dụng biện pháp PVTM

Các nền kinh tế xuất khẩu lớn càng có nguy cơ trở thành đối tượng của các biện pháp PVTM. Các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với ta như Hoa Kỳ, Ấn Độ, Úc... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến tỷ USD. việc tham gia vào các chuỗi cung ứng khu vực khiến Việt Nam trở thành quốc gia thường xuyên bị kiện chung với một số nước khác như Trung Quốc, Ấn Độ là các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn, thường xuyên bị điều tra phòng vệ thương mại hoặc bị nghi ngờ chuyển tải bất hợp pháp nhằm lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với các nước này.

Trong đó, thép, sợi… là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới. Đặc biệt, thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại với Việt Nam có xu hướng gia tăng, đặc biệt là thị trường Hoa Kỳ. Trong năm 2022, Hoa Kỳ đã khởi xướng 11 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia có quy mô xuất khẩu tăng trưởng mạnh thời gian qua  (liên tục nằm trong top 30 nền kinh tế có quy mô xuất khẩu lớn nhất thế giới).

Số lượng các vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam gia tăng nhanh chóng.

  • Giai đoạn 2001-2011: 50 vụ
  • Giai đoạn 2012-2022: 176 vụ (tăng gần 3,5 lần)
  • Tính đến tháng 5 năm 2023, có tổng 230 vụ việc PVTM đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Theo báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương cho biết, đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc phòng vệ thương mại do các nước khởi kiện; trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (128 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (47 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (33 vụ việc) và chống trợ cấp (23 vụ việc).

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam (3 vụ việc chống bán phá giá của Hoa Kỳ với máy xịt rửa chạy bằng gas áp lực cao, giá để đồ bằng thép, túi mua hàng bằng giấy; 1 vụ việc tự vệ của Philippines với vỏ bình gas bằng thép.

  1. Giải pháp ứng phó với các vụ việc PVTM của doanh nghiệp Việt Nam

- Bộ Công Thương đưa ra quyết định số 1573/QĐ-BCT ngày 15/6/2021 bao gồm (i) thủ tục khai báo nhập khẩu hàng hóa bị điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để phục vụ công tác điều tra; (ii) thủ tục miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại; (iii) thủ tục bổ sung lượng hàng hóa được miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

- Cục Phòng vệ thương mại

+ Triển khai tham mưu, phối hợp với đơn vị chủ trì xây dựng phương án đàm phán các FTA: Hiệp định VN - EFTA; ATIGA; ASEAN - Trung Quốc; ASEAN - Canada; Việt Nam - UAE. Theo dõi, nghiên cứu, cập nhật những diễn biến mới trong chính sách, pháp luật về phòng vệ thương mại của một số nước như Hoa Kỳ, Australia, Canada; theo dõi giải quyết tranh chấp tại WTO và tham gia thảo luận tại cuộc họp 3 Uỷ ban phòng vệ thương mại tại WTO.

+ Tiếp nhận và đang xử lý hồ sơ đề nghị điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp của một số ngành sản xuất trong nước.

+ Hướng dẫn cụ thể cho các Hiệp hội như Hiệp hội gạch men, Hiệp hội hạt điều,… nhằm giải quyết nhưng khó khăn của đơn vị cũng như hỗ trợ tận dụng hiệu quả các biện pháp phòng vệ thương mại.

+ Tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xử lý hiệu quả thông qua các hoạt động đa dạng như: Cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại để doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch xử lý; trao đổi kịp thời với hiệp hội, doanh nghiệp để cung cấp thông tin cập nhật giúp doanh nghiệp nắm được diễn biến vụ việc; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, hướng xử lý cụ thể cho doanh nghiệp…

- Đối với doanh nghiệp khi tiếp cận thị trường xuất khẩu thì cần

+ Chủ động tìm hiểu quy định cơ bản về phòng vệ thương mại tại các quốc gia đó; xây dựng được tâm lý thích ứng để tự chủ;

+ Chủ động nâng cao năng lực ứng phó phòng vệ thương mại;

+ Xây dựng các lộ trình phát triển, xuất khẩu phù hợp, để giảm thiểu nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại trong tương lai.

  1. Kết luận

Phòng vệ thương mại sẽ là công cụ để các quốc gia bảo vệ hàng hoá trong nước cũng như định hình thị trường, dẫn tới nguy cơ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam ngày càng lớn. Nếu phòng vệ thương mại được áp dụng hợp lý sẽ là tấm khiên để bảo vệ các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh các hàng rào thuế quan thông thường sẽ được giảm dần theo các cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA);
  2. Luật quản lý ngoại thương năm 2017.
  3. Thông tư số 30/2020/TT-BCT hướng dẫn Hiệp định Thương mại tự do với châu Âu về phòng vệ thương mại.
  4. Nghị định số 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương.
  5. Hệ thống pháp luật của WTO và các hiệp định liên quan đến phòng vệ thương mại.

Tác giả bài viết: Ths.Nguyễn Thị Ngọc Mai - Giảng viên khoa Kinh tế

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây