Nghề dạy học là một nghề cao quý. Ở bất cứ xã hội nào của bất cứ Quốc gia, dân tộc nào, vị trí của người thầy luôn được xã hội tôn vinh. Đồng hành với nghề dạy học là sự hy sinh âm thầm lặng lẽ của những người thầy, người cô trong sự nghiệp trồng người. Thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, thầy cô chính là những người lái đò cần mẫn, miệt mài chở con thuyền trí tuệ qua sông, đưa học trò đến bến đỗ bình an, gieo mầm tri thức, chắp cánh ước mơ của tuổi trẻ để những học trò sẽ trở thành người công dân có ích cho xã hội.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng tỏa hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời.” Ngày nay, chúng ta đang sống và làm việc trong những điều kiện thuận lợi hơn trước, song cũng rất nhiều thách thức đang đặt ra cho các nhà giáo (Vấn đề đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ hội nhập quốc tế, đào tạo theo nhu cầu xã hội...), đòi hỏi người thầy phải có bản lĩnh, sống có lý tưởng để vừa giữ được phẩm chất của nhà giáo, vừa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao về tri thức, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm.
Mỗi thầy cô là một người gieo hạt giống trí tuệ vào tâm hồn trong sáng của lớp lớp thế hệ học sinh. Nhà thơ Quách Mạt Nhược - Trung Quốc đã từng nói về nghề giáo: "Mặt trời mọc, mặt trời tắt. Trăng tròn rồi trăng lại khuyết. Nhưng ánh sáng người thầy không bao giờ tắt"
Khi đến với nghề sư phạm đã có lúc chúng tôi cảm thấy công việc này thật khó khăn, vất vả , nhưng rồi được sự động viên khích lệ của các thế hệ đi trước, của các bạn đồng nghiệp, quan tâm của các cấp lãnh đạo, chính quyền tập thể sư phạm nhà trường thấy mình có thêm nghị lực để tiếp tục phấn đấu. Thời gian trôi qua chúng tôi lại thấy vui hơn khi hàng năm có lớp lớp học sinh đạt kết quả cao hoàn thiện nhân cách và trưởng thành trong cuộc sống, chúng tôi hiểu rằng mình là một nấc thang trên bước đường đi tới vinh quang của các em, tự hào vì mình được ví là “Kỹ sư tâm hồn”, là "người kiến tạo tương lai", hay là "Người đưa đò" không mệt mỏi qua năm tháng. Mỗi năm, khi đến ngày 20-11 lòng chúng tôi lại dâng lên những cảm xúc khó tả, những mong nhớ, nuối tiếc về thời đi học đã qua, những kỷ niệm về thầy cô và những người bạn học đã mãi mãi đi vào tiềm thức và trở thành những dấu ấn không phai mờ. Ngày 20-11 là ngày ân tình, thầy cô giáo chúng tôi đón nhận tình cảm của toàn xã hội, tình cảm chân thành của học trò làm chúng tôi thật sự xúc động, thấy ấm lòng hơn khi nhìn những ánh mắt trong sáng, những câu nói vô tư, quan tâm lo lắng của các cháu làm chúng tôi quên đi bao mệt mỏi của bộn bề công việc, những lo toan trong cuộc sống đời thường.
Thật tâm đắc với câu nói: “Dòng đời của một người thầy thanh bạch nhưng lại được hưởng những nốt đàn tuy lẻ loi mà đầy tình thương yêu, có thể nghe thấy hoặc không nghe thấy, nhưng luôn luôn thánh thót và vang xa mãi mãi.” Là nhà giáo, chúng tôi thật sự xúc động trước những nghĩa cử, những ân tình mà toàn xã hội đã dành cho chúng tôi. Với tinh thần “ tôn sư trọng đạo” ngàn đời của dân tộc, chúng tôi như được tiếp thêm nguồn động viên, để gắn bó, để ràng buộc mình cho sự nghiệp “trồng người” cao quý mà xã hội đã trao tặng.
Và thật hạnh phúc khi được làm người đưa đò qua sông rồi thấy học trò của mình ngày càng học giỏi và trưởng thành. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam chúng tôi rất muốn nhắn nhủ đến các học trò thân yêu của mình: “Người thầy không thể nào dạy tốt được khi không có sự hỗ trợ, hợp tác tốt từ phía học sinh, chính các em là nguồn cảm hứng là động lực đến trường và thực hiện công tác của người thầy”. Nhân dịp này chúng tôi gửi lời cảm ơn tới các em bởi sự động viên quan tâm tới các thầy cô. Chính các em là nguồn sức mạnh để thầy cô chúng tôi dành trọn tâm huyết của mình với nghề. Bởi chính nghề này đã đem đến cho chúng tôi thật nhiều nụ cười và ánh mắt hồn nhiên không dễ gì tìm thấy ở một nghề nào khác.
Chúng ta yêu nghề dạy học và thủy chung son sắt với nghề.
“Viên phấn trắng hướng cuộc đời bay bỗng
Mực đỏ chấm bài là máu chảy từ tim”.
Tác giả bài viết: Vũ Hường
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn