Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Seminar: Các phương thức thanh toán trực tuyến ở Việt Nam

Trong thời đại công nghệ phát triển, Internet thật sự đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân trên toàn thế giới.

             1. Đặt vấn đề

           Trong thời đại công nghệ phát triển, Internet thật sự đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của đại đa số người dân trên toàn thế giới.

Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và kỹ thuật số đã làm thay đổi môi trường kinh doanh trên thế giới, do đó các giao dịch kinh doanh cũng thay đổi từ các giao dịch tiền mặt chuyển sang giao dịch tiền điện tử. Các giao dịch giữa các đối tác kinh doanh tiếp tục phát triển trên nền tảng thương mại điện tử, giải pháp thanh toán trực tuyến xuất hiện để thay thế các hệ thống thanh toán bằng tiền mặt. Sự ra đời của hình thức thanh toán trực tuyến đã giúp người tiêu dùng có thể quản lý chi tiêu và tài chính một cách đơn giản và nhanh chóng.

Chúng ta sẽ tìm hiểu về thanh toán trực tuyến; lợi ích và hạn chế của thanh toán trực tuyến; và các hình thức thanh toán trực tuyến đang thông dụng tại Việt Nam trong bài viết này.

              2. Tổng quan về thanh toán trực tuyến

              2.1. Khái niệm về thanh toán trực tuyến

          Trong hai thập kỷ qua, hệ thống thanh toán trực tuyến đã thu hút nhiều sự chú ý từ các nhà nghiên cứu và thiết kế hệ thống thông tin do vai trò quan trọng của nó trong thương mại điện tử hiện đại.

             Theo báo cáo quốc gia về Kỹ thuật thương mại điện tử của Bộ Thương mại, Thanh toán trực tuyến (Electronic Payment) là việc thanh toán tiền qua thông điệp điện tử (electronic message) thay cho việc giao tay tiền mặt.

           Theo nghĩa hẹp, thanh toán trong thương mại điện tử có thể hiểu là việc trả tiền và nhận tiền hàng cho các hàng hóa và dịch vụ được mua bán trên Internet.

Tóm lại, theo các định nghĩa trên, thanh toán trực tuyến là hệ thống thanh toán dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Việc thanh toán được thực hiện qua máy tính và mạng máy tính, nối mạng với các đơn vị thành viên tham gia thanh toán.

             2.2. Tình hình phát triển thanh toán trực tuyến tại Việt Nam

            Tính đến tháng 1/2017, Việt Nam có 50,05 triệu người dùng internet chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016. Số người dùng internet được xem là ở mức cao trên thế giới, tuy nhiên tỉ lệ người dùng vẫn ở mức trung bình. Việt Nam có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số.

Cùng với sự phát triển đó, xu hướng mua sắm trực tuyến cũng ngày càng phát triển. Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) đưa ra trong Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018, tốc độ tăng trưởng năm 2017 so với năm trước ước tính trên 25%. Nhiều DN cho biết tốc độ tăng trưởng năm 2018 sẽ duy trì ở mức tương tự.

          Internet và thương mại điện tử đã làm thay đổi phương thức mua hàng truyền thống của người tiêu dùng. Người tiêu dùng hiện đại ngày nay ngày càng ưa thích giao dịch dưới hình thức mua sắm trực tuyến bởi những thuận lợi mà nó mang lại như dễ dàng tìm kiếm và chọn lựa mặt hàng, tiết kiệm tối đa thời gian, dịch vụ chăm sóc tốt… và hàng loạt các lợi ích đi kèm.

Thống kê từ Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ/ngày. Cùng với đó, gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm.

Hầu hết sản phẩm mà người tiêu dùng Việt mua bán online chủ yếu là quần áo, giày dép chiếm tỷ lệ 64%; sách, âm nhạc, văn phòng phẩm chiếm 51%; mỹ phẩm và các sản phẩm chăm sóc cá nhân 40%; các sản phẩm công nghệ thông tin, gia dụng chiếm 40%; đồ nội thất 29%; sản phẩm ăn uống 20%...

Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018 cũng cho thấy, tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số DN chuyển phát hàng đầu cho thấy, tốc độ tăng trưởng doanh thu từ dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.

Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao đánh giá, những năm gần đây, với sự ra đời của hàng loạt các website thương mại điện tử như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Adayroi… Việc mua sắm online đã không còn xa lạ với người người tiêu dùng Việt. Thị trường mua sắm trực tuyến trở nên sôi động hơn khi người tiêu dùng trẻ tham gia vào việc mua bán trên mạng xã hội ngày càng nhiều.

Đối với lĩnh vực thanh toán, theo thông tin từ Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), năm 2017, số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa tăng khoảng 50% so với 2016, trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%. Tính đến cuối năm 2016, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam khoảng 4 tỷ USD. Dự báo trong 4 năm tới, quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự đoán có thể đạt tới 10 tỷ USD.

             2.3. Lợi ích của thanh toán trực tuyến

             2.3.1. Một số lợi ích chung

             - Hoàn thiện và phát triển thương mại điện tử
             - Tăng quá trình lưu thông tiền tệ và hàng hóa
             - Hiện đại hóa hệ thống thanh toán

             2.3.2. Một số lợi ích đối với doanh nghiệp

              -   Tăng doanh thu
              - Giảm chi phí tăng hiệu quả kinh doan
              - 
 Giảm chi phí văn phòng
              -  Giảm chi phí nhân viên
              -   Cung cấp dịch vụ thuận tiện cho khách hàng
              -  Mở rộng thị trường thông qua Internet, ngân hàng
              -  Đa dạng hóa dịch vụ và sản phẩm
              -  Nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo nét riêng trong kinh doanh
              -  Thực hiện chiến lược toàn cầu hóa
               -  Xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu toàn cầu
               -   Có được thông tin phong phú:
               2.3.3. Một số lợi ích đối với khách hàng

              - Khách hàng có thể tiết kiệm được chi phí

              - Khách hàng tiết kiệm được thời gian

             - Khách hàng có thể giao dịch trực tiếp với nhà sản xuất, bỏ qua khâu trung gian nên có thể mua hàng với giá rẻ hơn và nhanh hơn, đạt được hiệu quả cao hơn.

             2.4. Các phương thức thanh toán điện tử tại Việt Nam

             2.4.1. Thanh toán bằng thẻ

             Là hình thức thanh toán đặc trưng nhất của giao dịch thương mại trực tuyến trên Internet. Thanh toán bằng thẻ tín dụng chiếm tới 90% trong tổng số các giao dịch thương mại điện tử. Với cách thanh toán này giúp cho người mua hàng trực tuyến có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch với nhà cung cấp ở mọi nơi mọi lúc một cách nhanh chóng nhất. Thanh toán qua thẻ gồm có hai loại: thẻ tín dụng hoặc thẻ ghi nợ quốc tế (Visa, Master, Master Express, etc) và thẻ ghi nợ nội địa.

             2.4.2. Thanh toán trực tuyến

           Đây là một dịch vụ trung gian, giúp chuyển tiền thật từ tài khoản ngân hàng thành một loại tiền ảo trên mạng nhưng vẫn có khả năng sử dụng như tiền thật để mua sắm và sử dụng thanh toán trực tuyến. Hình thức thanh toán này bảo mật hơn so với hình thức thanh toán truyền thống. Để sử dụng thanh toán trực tuyến, người tiêu dùng cần có một tài khoản trên một dịch vụ trung gian nào đó và liên kết tài khoản đó với ngân hàng, hiện nay có một số cổng thanh toán tốt như: OnePay, VTC…

               2.4.3. Thanh toán bằng Ví điện tử

           Để có thể thực hiện thanh toán trực tuyến ,khách hàng phải sở hữu ví điện tử như Mobivi, Payoo, VnMart,etc từ đó khách hàng mới có thể thanh toán trực tuyến trên những website chấp nhận những loại ví điện tử này.

Ví điện tử có thể được gắn kết với tài khoản ngân hàng để chuyển tiền giữa ví điện tử và tài khoản. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể nạp tiền vào ví bằng cách nộp tiền mặt, chuyển khoản. Chi phí phải trả cho hình thức này tương đối thấp, chi phí đăng ký dịch vụ thường được miễn phí.

             2.4.4. Thanh toán bằng thiết bị di động thông minh

            Đây là một hình thức thanh toán ra đời trong nền kinh tế số hóa, khá phổ biến và có tiềm năng phát triển mạnh trong tương lai với đại đa số người tiêu dùng bây giờ ai cũng đã quá quen thuộc và sử dụng thành thạo Smartphone. Với dịch vụ này khi đi mua sắm, người tiêu dùng không cần phải mang theo tiền mặt mà thay vào đó là thanh toán trực tuyến thông qua điện thoại di động thông minh với dịch vụ Mobile Banking.

           Hệ thống thanh toán qua điện thoại được xây dựng trên mô hình liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ: Ngân hàng, các nhà cung cấp viễn thông, hệ thống tiêu dùng, người tiêu dùng.

Hiện nay trên thị trường hình thức thanh toán này có một số nhà cung cấp như: Samsung, Apple, Androi, tuy nhiên có một hạn chế hình thức thanh toán này chỉ thực hiện trên các thiết bị di động đời mới Smartphone.

Các dịch vụ thanh toán qua Internet và điện thoại: Hiện có 67 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet (Internet Banking) và 37 ngân hàng thương mại cung ứng các dịch vụ thanh toán qua di động (Mobile Banking).

            2.4.5. Trả tiền mặt khi giao hàng

          Đây là hình thức được người mua hàng tin dùng hơn cả vì đảm bảo hàng tận tay tới người tiêu dùng sau đó mới thanh toán. Hầu hết các website thương mại điện tử như Tiki, Lazada, Sendo,… đều áp dụng phương thức COD (Cash On Delivery) cho phép người mua hàng đặt hàng trước mà không phải đặt cọc tiền và sau khi nhận được hàng thì người mua có thể kiểm tra chất lượng hàng hóa, nếu hài lòng thì tiến hành thanh toán trực tiếp cho người giao hàng.

           2.4.6. Thanh toán qua chuyển khoản ngân hàng

          Thông qua ATM hoặc giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, người mua hàng chuyển tiền của mình sang tài khoản của người bán một số tiền nhất định hoặc có giá trị bằng hàng hóa đặt mua trước khi nhận được hàng. Hình thức thanh toán này chỉ nên thực hiện khi mua hàng tại các website lớn và có uy tín hoặc hai bên là khách quen của nhau. Bên cạnh lợi ích nó mang lại là người mua và người bán có thể thanh toán tiền cho nhau khi ở xa nhau thì cũng có những rủi ro cho người mua, khi người bán không giao hàng hoặc giao hàng kém chất lượng, không như cam kết khi rao bán, quảng cáo và khó có thể đổi lại được hàng hóa nếu không ưng ý.

          2.5. Một số hạn chế khi sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến

         Bên cạnh những lợi ích của loại thanh toán trực tuyến là vô số những rủi ro bạn cần biết khi sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến như:

          - Nguy cơ bị đánh cắp các thông tin của chủ thẻ khi thanh toán trên các website giả mạo
         - Nguy cơ mất tiền oan khi gặp trường hợp trục trặc hệ thống: Có những trường hợp xảy ra bạn đã tạo lệnh thanh toán thành công và số dư đã bị trừ đi nhưng đầu bên kia vẫn chưa nhận tiền chuyển đến do hệ thống găp trục trặc khi thực hiện giao dịch.
          - Nguy cớ sử dụng thẻ giả để trục lợi gây thiệt hại lớn cho bên bán hàng. Khi người mua hàng sử dụng thẻ giả để giao dịch thanh toán, người bán hàng sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiệt hại rất lớn, nếu trường hợp giao dịch cấp phép thành công.

          3. Kết luận

         Mỗi sản phẩm đều có những mặt lợi và hại khác nhau, tuy nhiên nếu người sử dụng có những kiến thức và cẩn thận khi sử dụng hình thức thanh toán trực tuyến thì đây thực sự là một hình thức thanh toán với những lợi ích tuyệt vời và hữu ích trong thời đại công nghệ hiện nay. Những ưu điểm trên của thanh toán điện tử sẽ là những lợi thế để thanh toán điện tử tồn tại và phát triển trong nền kinh tế số hóa trong tương lai. Những thay đổi đó đã đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của hệ thống thanh toán điện tử trong các ngân hàng nói riêng và sự phát triển của thương mại điện tử nói chung.

         Tài liệu tham khảo:

         1. Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (2018), Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam năm 2018;

         2. Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - xã hội Quốc gia (2015), Thương mại điện tử ở Việt Nam và một số giải pháp điều hành;

       3. Công Lý (2017), Thương mại điện tử Việt Nam: Tiềm năng và thách thức, Báo Diễn đàn Doanh nghiệp;

        4. ThS. Phạm Thanh Bình (2017), Phát triển thương mại điện tử Việt Nam trong quá trình hội nhập AEC, Tạp chí Tài chính tháng 6/2017.

Tác giả bài viết: Ngọc Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây