Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Phát triển nông thôn mới gắn với giải quyết việc làm cho lao động tại khu nông thôn hiện nay (phần 3)

 Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” -

                 3. THỰC TRẠNG GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN

                 3.1.Thực trạng giải quyết việc làm

              Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009, phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” - một trong những giải pháp quan trọng góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới. Sau 6 năm (2010 - 2015) thực hiện, trên 4,1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề với tổng kinh phí trên 8.170,53 tỷ đồng.

image011image013

Hình 5: Đào tạo việc làm cho lao động nông thôn theo chương trình nông thôn mới

                Tuy nhiên, kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 chưa đạt được mục tiêu, kế hoạch đề ra, số lao động nông thôn học nghề cả nước đạt 91,5% kế hoạch hỗ trợ lao động nông thôn học nghề (thực hiện được 2,7/kế hoạch 2,95 triệu lao động nông thôn học nghề). Hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn không đồng đều giữa các vùng trong cả nước. Việc xác định danh mục nghề đào tạo cho lao động nông thôn chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Lao động học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; một số lao động học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra tiêu thụ rất khó khăn. Việc triển khai quy hoạch sản xuất, quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương còn chậm, chất lượng chưa cao, là trở ngại lớn đối với việc xác định nghề đào tạo và nhu cầu học nghề… Do vậy, trong thời gian tới, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn và tạo việc làm cần có những đổi mới, nâng cao hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

                3.2. Đánh giá

                3.2.1. Điểm mạnh

              Thứ nhất, số lượng lao động chiếm tỷ lệ cao, lực lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở nước ta hiện nay rất dồi dào và có nhiều tiềm năng. Lực lượng lao động nông thôn đang là 37,41 triệu người, chiếm 67,82% lực lượng lao động của cả nước. Đây là lợi thế để xây dựng nông thôn mới.

              Thứ hai, lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn đã giảm. Số lượng lao động thiếu việc làm tại khu vực nông thôn giảm từ 1.021 nghìn người năm 2014 xuống còn 582,7 nghìn người năm 2017.

               Thứ ba, đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn bước đầu cũng đạt được kết quả, sau 6 năm (2010 - 2015) thực hiện, trên 4,1 triệu lao động nông thôn được đào tạo nghề.

              3.2.2. Điểm yếu

              Thứ nhất, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, không có bằng cấp ở nông thôn còn khá cao, gây ra nhiều khó khăn trong việc áp dụng các thành tựu khoa học, công nghệ để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tăng thu nhập cho người dân cũng như giải quyết việc làm.

            Thứ hai, số lượng và tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi nhất là ở đối tượng lao động thanh niên tại khu vực nông thôn còn cao và có xu hướng tăng.

             Thứ ba, cơ cấu lao động có việc làm tại khu vực nông thôn trong ngành nông lâm thủy sản còn cao hơn nhiều so với ngành dịch vụ và công nghiệp xây dựng, điều này gây khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới là: phát trin sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

               Thứ tư, kết quả chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn chưa mang lại hiệu quả cao.

              4. Giải pháp thúc đẩy giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

              Một là, tiếp tục triển khai dự án về đào tạo nghề cho những người thuộc diện thu hồi đất để phát triển công nghiệp và đô thị: Đây là một giải pháp có tính cấp bách, cần được triển khai thống nhất từ Trung ương đến địa phương để tránh tình trạng người dân sau khi nhận tiền đền bù ruộng đất phải lâm vào tình trạng thất nghiệp và không có thu nhập; từ đó phát sinh nhiều hệ lụy về mặt xã hội.

             Hai là, tiếp tục đào tạo nghề theo các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư: Đây là các hình thức đào tạo đã khá ổn định, cần tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia và nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, rất cần thu hút những người tham gia đào tạo vào mạng lưới tiêu thụ sản phẩm.

            Ba là, hỗ trợ đào tạo nghề theo chiến lược xuất khẩu, kể cả hỗ trợ đào tạo nghề để tham gia xuất khẩu lao động. Trong đó có những chính sách: hỗ trợ người lao động học bổ túc văn hóa, học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết để tham gia xuất khẩu lao động; cho người lao động vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; các cơ sở dạy nghề cho xuất khẩu lao động cũng được vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đào tạo.

           Bốn là, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện chính sách và tập trung đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, giúp họ nâng cao kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng quản lý, kiến thức thị trường để lựa chọn nghề phù hợp. Khuyến khích đào tạo nghề tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Chú ý đào tạo nghề công nghiệp - dịch vụ cho thanh niên, học sinh nông thôn mới tốt nghiệp phổ thông giúp họ chuẩn bị điều kiện chuyển nghề sang lĩnh vực phi nông nghiệp như: công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ nông thôn, bán hàng.

          Năm là, tiếp tục ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ hướng về xuất khẩu, sử dụng nhiều lao động đặc biệt là lao động nông thôn những ngành đảm bảo tăng việc làm nhanh và duy trì được sự cân bằng giữa tăng việc làm với tăng năng suất cả ở thành thị và nông thôn như may mặc, dày da, chế biến, lắp ráp,… giải pháp này vừa có ý nghĩa trong việc kéo lao động từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp, dịch vụ vừa giải quyết tình trạng lao động dư thừa ở nông thôn hiện nay.

            5. KẾT LUẬN

            Kết quả nghiên cứu cho thấy vấn đề lao động việc làm và phát triển nông thôn mới có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho lao động tại khu vực nông thôn, đồng thời giải quyết tốt vấn đề việc làm cho lao động nông thôn sẽ giúp quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được hiệu quả tốt. Tuy nhiên trình độ lao động nông thôn còn thấp, số lượng lao động thất nghiệp và thiếu việc làm, nhất là ở bộ phận lao động thanh niên, lao động tại các khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Trung du miền núi phía Bắc còn cao nên ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình xây dựng nông thôn mới. Nông dân là nguồn nhân lực quan trọng, quyết định sự thành công trong xây dựng nông thôn mới. Tạo việc cho lao động tại khu vực nông thôn làm cho nông dân có điều kiện nâng cao thu nhập, tích lũy vật chất, ổn định cuộc sống và góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tạo cơ sở cho việc chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp nhằm hoàn thành mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Tác giả bài viết: Mạc Liên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây