Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Xây dựng chính sách và nguyên tắc chỉ đạo cho du lịch sinh thái tại Việt Nam

  Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xã hội và trào lưu du lịch trên thế giới, DLST ngày càng phát triển cả về mặt nội dung lẫn hình thức, đem lại nguồn thu đáng kể cho nhiều quốc gia.
Bài viết:  1.TS. Nguyễn Quyết Thắng – Trưởng Khoa Quản trị Du lịch – Nhà Hàng – Khách sạn, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (Hutech)
              2.Ths. Vũ Thị Hường – Giảng viên Khoa Kinh Tế - Trường Đại Học Sao Đỏ
               3.Ths. Tô Thu Thủy - Giảng viên Khoa Kinh Tế - Trường Đại Học Sao Đỏ

-------------------------------

       Để phát triển du lịch sinh thái (DLST) bền vững, đạt được mục tiêu đề ra thì việc xây dựng các chính sách và nguyên tắc chỉ đạo cho DLST được coi là điều kiện tiền đề phát triển hoạt động này. Từ kinh nghiệm một số nước và thực tiễn tại Việt Nam, bài báo đã chỉ ra sự cần thiết của việc xây dựng chính sách và nguyên tắc chỉ đạo cho DLST tại nước ta trong giai đoạn hiện nay, trên cơ sở đó đưa ra một số giải pháp để triển khai công tác này đạt hiệu quả hơn.

I. CHÍNH SÁCH VÀ NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO CHO DU LỊCH SINH THÁI

        Một trong những vấn đề rất cơ bản, làm cơ sở pháp lý cho việc phát triển DLST đó chính là xây dựng các chính sách đồng bộ cho sự phát triển hoạt động DLST. Ở nhiều nước trên thế giới, ngoài cơ sở pháp lý chung cho hoạt động du lịch người ta thường xây dựng những khuôn khổ pháp lý cho DLST và coi đây là điều kiện để phát triển DLST.

II. XÂY DỰNG CHÍNH SÁCH VÀ NGUYÊN TẮC CHỈ ĐẠO CHO DLST TẠI VIỆT NAM

         Với nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng, phong phú, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và thế mạnh để phát triển loại hình DLST bên cạnh về thế mạnh du lịch văn hóa và các loại hình du lịch khác.. Trước tình hình trên việc xây dựng một cơ chế chính sách và nguyên tắc chỉ đạo DLST tại Việt Nam nhằm thống nhất hoạt động du lịch là rất cần thiết.

        Nghiên cứu này tập trung vào một vùng có hoạt động DLST phát triển nhưng nó cũng phản ánh một phần sự cấp thiết của việc triển khai đồng bộ chính sách và cơ chế quản lý cho DLST tại Việt Nam. Đây được coi là tiền đề căn bản để triển khai các công tác khác. Điều này không chỉ thúc đẩy các tổ chức, các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương mà còn lôi kéo sự chú ý của nhiều đối tượng vào hoạt động DLST và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để có thế thúc đẩy sự phát triển hoạt động DLST thì cần có những chính sách riêng cho DLST. Đối với Việt Nam nói chung, theo chúng tôi cần ban hành các nhóm chính sách như bảng 1.2.

Bảng 1.2: Danh mục các nhóm chính sách về du lịch sinh thái cần ban hành

STT

NHÓM CHÍNH SÁCH

YÊU CẦU

1. Xây dựng hướng dẫn cho DLST. Đề cập đến nhiều mặt từ định nghĩa các thuật ngữ đến việc hướng dẫn tổ chức, quản lý DLST v.v…
2. Các chính sách liên quan đến quy hoạch các vùng, điểm DLST trọng điểm. Gồm các chính sách, quy định, hướng dẫn về công tác quy hoạch cấp vùng và từng điểm tài nguyên. Các quy định chi tiết về điều kiện và tiêu chí của quy hoạch.
3. Các chính sách liên quan đến phát triển DLST gắn BVMT tự nhiên và môi trường văn hóa, xã hội. Có các chính sách, quy định cụ thể phát triển DLST gắn với BVMT tự nhiên và văn hóa, xã hội như các quy định về đầu tư, phát triển DLST gắn BVMT, quy định phát triển DLST gắn với cộng đồng v.v…  
4. Các chính sách liên quan đến công tác quản lý khách du lịch, phối hợp giám sát các điểm tài nguyên DLST Các chính sách và quy định về quản lý khách tham quan; Xây dựng các tiêu chí về giới hạn có thể chấp nhận tại các điểm tài nguyên; Phân cấp quản lý và trách nhiệm, nội dung  giám điểm tài nguyên v.v…
5. Các chính sách liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, công tác quảng bá, phát triển sản phẩm DLST. Các chính sách, quy định liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực như quy định về đào tạo, chế độ đãi ngộ v.v…Các chính sách về công tác quảng bá, phát triển sản phẩm như quy định về đầu tư, vay vốn ưu đãi…

       Trên cơ sở việc thiết lập các cơ chế chính sách thì cần phải xây dựng các “nguyên tắc chỉ đạo” nhằm làm cơ sở cho việc giám sát chặt chẽ hoạt động DLST và quản lý nguồn tài nguyên. Việc xây dựng các nguyên tắc chỉ đạo cho DLST ở Việt Nam theo chúng tôi cần tập trung vào các vấn đề sau:

        - Hỗ trợ các chương trình bảo tồn thiên nhiên;

      - Liên quan đến cộng đồng địa phương, mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp nhất bởi hoạt động du lịch;

       - Bảo tồn các giá trị văn hóa-xã hội và tôn giáo của cộng đồng địa phương;

      - Tuân thủ các quy định liên quan đến du lịch và bảo tồn môi trường.

       Dựa trên thực tế của Việt Nam và kinh nghiệm của nhiều nước, chúng tôi cho rằng trước hết chúng ta cần nhanh chóng soạn thảo các nguyên tắc chỉ đạo chung cho du lịch sinh thái thể hiện tại bảng 1.3.

Bảng 1.3: Danh mục các nguyên tắc chỉ đạo tối thiểu cần soạn thảo

STT

NỘI DUNG

ĐỐI TƯỢNG

1. Nguyên tắc chỉ đạo môi trường cho các nhà điều hành. Các nhà điều hành du lịch, doanh nghiệp du lịch
2. Hướng dẫn du lịch sinh thái có trách nhiệm. Khách du lịch
3. Quy định về xây dựng cơ sở lưu trú sinh thái. Các đơn vị kinh doanh du lịch
4. Quy định về việc vận chuyển, đưa đón khách tại các điểm tài nguyên. Các đơn vị vận chuyển, kinh doanh du lịch.
5. Các tiêu chuẩn cụ thể cho các nhà quản lý, hoạch định chiến lược. Các nhà quản lý, hoạch định chiến lược
6. Nguyên tắc đạo đức đối với môi trường. Cộng đồng

III. GIẢI PHÁP ĐỀ RA

       Để xây dựng và triển khai hiểu quả việc xây dựng chính sách và nguyên tắc chỉ đạo cho DLST, chúng tôi đề xuất một số giải pháp trước mắt cần triển khai như sau:

       - Thứ nhất: Cần nhanh chóng tiên hành soạn thảo chương trình hành động du lịch sinh thái cấp quốc gia làm nền tảng cho việc xây dựng các chính sách và nguyên tắc chỉ đạo cho DLST.

       - Thứ hai: Cơ quan quản lý du lịch cấp quốc gia là Bộ Văn hóa –Thể thao và Du lịch mà trực tiếp là Tổng cục du lịch cần nhanh chóng thành lập cơ quan tham mưu soạn thảo chính sách và giám sát hoạt động cho DLST, từng bước tiến đến thành lập ban chỉ đạo phát triển du lịch sinh thái cấp quốc gia.

       - Thứ ba: DLST phát triển chủ yếu dựa vào các nguồn TNTN.

       - Thứ tư: Chính sách và nguyên tắc chỉ đạo cho DLST ban hành cũng cần lưu ý đến việc bảo tồn và phát triển văn hóa bản địa của cộng đồng xung quanh các điểm tài nguyên.

        - Thứ năm: Việc xây dựng nguyên tắc chỉ đạo cho các khu vực tài nguyên trọng điểm và tại các điểm tài nguyên cần dựa trên những nghiên cứu chi tiết về những giới hạn cụ thể tại từng khu vực, điểm tài nguyên.

      Trên đây là một số ý kiến cho việc xây dựng chính sách và nguyên tắc chỉ đạo cho DLST ở nước ta trong giai đoạn hiện nay.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây