Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Ứng dụng công nghệ trong kinh doanh du lịch : Cơ hội và thách thức ( phần II)

Hiện nay, 100% doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam sử dụng máy tính và đường truyền internet, ứng dụng những phần mềm chuyên dụng,

       2. Thực trạng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh du lịch tại Việt Nam
      Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, năm 2016, du lịch Việt Nam đón 10 triệu lượt khách quốc tế, tăng 26% so với năm 2015; phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, tăng 8,8% so với năm trước đó; tổng thu từ khách du lịch ước đạt trên 400.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 6.206.336 lượt, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, khách du lịch nội địa 6 tháng đầu năm cũng đạt 40,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 254.700 tỷ đồng, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm 2016. Du lịch ngày càng khẳng định vai trò là ngành kinh tế quan trọng của đất nước.

      Có nhiều nguyên nhân để lượng khách du lịch đến Việt Nam tăng, song có một nguyên nhân không thể phủ nhận được, đó là những đóng góp của công nghệ thông tin. Hiện nay, 100% doanh nghiệp trong ngành du lịch Việt Nam sử dụng máy tính và đường truyền internet, ứng dụng những phần mềm chuyên dụng, như: quản trị văn phòng, tài chính, mua bán tour, thông tin điểm đến..., mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp du lịch, nhất là sự liên thông mang tính toàn cầu trên internet hiện nay đã giải quyết nhiều khó khăn tồn tại đối với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh và tìm kiếm thị trường.

        Sự gắn kết bằng công nghệ thông tin tạo điều kiện cho tất cả các doanh nghiệp phát triển, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ lực để vươn lên tiếp cận với thị trường và các hoạt động quảng bá quy mô và tốn kém... Liên tục trong nhiều năm trở lại đây, các công ty du lịch lữ hành, khách sạn, cơ sở lưu trú trong cả nước đã tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua việc xây dựng và duy trì hoạt động của các website, tổ chức mua bán tour, đặt phòng trực tuyến cho du khách trong và ngoài nước. Có thể thấy hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch qua trang web ở địa chỉ: cinet.gov.vn bằng 2 ngôn ngữ Anh, Việt; Tổng cục Du lịch với trang vietnamtourism.gov.vn được thiết kế với 5 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Nhật, Trung đáp ứng nhu cầu của cộng đồng và là kênh quảng bá quan trọng hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

      Trang điện tử baodulich.net.vn của Báo Du lịch là cơ quan ngôn luận của Tổng cục Du lịch - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cập nhật các thông tin về hoạt động của ngành trên địa bàn toàn quốc, cũng như giới thiệu các điểm đến, văn hóa di sản, món ăn độc đáo, quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam một cách chính xác, cụ thể, thu hút sự quan tâm chú ý của đông đảo độc giả trong nước và quốc tế.

       Cùng với các hoạt động công nghệ thông tin tại các cơ quản quản lý và sự nghiệp của ngành du lịch, hoạt động công nghệ thông tin của các doanh nghiệp cũng phát triển khá mạnh, điển hình như các công ty Vietravel, Saigontourist, Bến Thành Tourist, Fiditour, dulichviet… đã triệt để ứng dụng công nghệ và các hoạt động quảng bá, sản xuất kinh doanh, góp phần đáng kể vào hiệu quả trong hoạt động của doanh nghiệp và thành tích chung của toàn ngành, cũng như thay đổi diện mạo du lịch Việt Nam. Có thể thấy rõ nét ở trang điện tử bán tour trực tuyến của Công ty TNHH Một thành viên Du lịch & Tiếp thị GTVT Việt Nam (Vietravel) tại địa chỉ travel.com.vn ra đời từ năm 2007, được khách hàng và các tổ chức du lịch thế giới đánh giá cao về sự tiện dụng, tính hiệu quả, tiện ích đối với người tiêu dùng và dễ quản lý với doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh theo mô hình này.

        Tổ chức Du lịch Thế giới nhận định, sự thay đổi đời sống xã hội cùng với cuộc cách mạng công nghệ là yếu tố quan trọng tạo nên sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch trong những năm gần đây. Sự gia tăng mạnh mẽ của tầng lớp khách lẻ và khách thế hệ trẻ (những người sinh trong giai đoạn 1980-2000) sử dụng dịch vụ của các đại lý du lịch trực tuyến (Online Travel Agents - OTAs) đã làm thay đổi đáng kể thị trường du lịch. Hãng Google và tập đoàn Temasek Holdings Singapore dự đoán quy mô của du lịch trực tuyến tại khu vực Đông Nam Á sẽ tăng mạnh từ 21,6 tỷ USD năm 2015 lên 89,6 tỷ USD vào năm 2025. Trong đó, du lịch trực tuyến tại Việt Nam chiếm 10%, tương đương 9 tỷ USD. Theo tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán hàng du lịch trực tuyến tại Việt Nam sẽ duy trì mức độ tăng trưởng 12% trong giai đoạn 2015-2020 (Lâm Minh, 2017).

      Thêm vào đó, Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, hiện nay có trên 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 53% dân số và cao hơn mức bình quân của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (46,64%) và trên thế giới (48,2%). Trong số đó có tới 78% thường xuyên sử dụng internet hàng ngày (Lâm Minh, 2017). Đây là thuận lợi lớn cho doanh nghiệp tham gia du lịch trực tuyến. Rất nhiều người trẻ trước khi quyết định đi du lịch đều tìm hiểu thông tin về nơi đến trên mạng, sau đó đặt vé, phòng và các dịch vụ khác trực tuyến. Đặc biệt, xu hướng của giới trẻ trong nước hiện nay thích du lịch trải nghiệm đến những nơi xảy ra các sự kiện lớn được quảng bá trên phim ảnh.

        Những con số nói trên đã cho thấy tiềm năng lớn của thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam. Đây là cơ sở thúc đẩy các công ty du lịch, các hãng vận chuyển khách, các cơ sở lưu trú sử dụng các công cụ trực tuyến nhằm nâng cao thương hiệu và gia tăng doanh số. Facebook, zalo, zing.me là 3 trong số các trang mạng xã hội phổ biến nhất mà các công ty Việt Nam tận dụng cho các hoạt động tiếp thị và quảng bá.

       Nhận thức vai trò của công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, trong đó nêu rõ yêu cầu đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh. Tổng cục Du lịch cũng xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch là một trong những giải pháp đột phá để nâng cao tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin sẽ là công cụ hữu hiệu phục vụ 3 nhóm đối tượng chính là người quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và khách du lịch.

       3. Những khó khăn, thách thức
      Như đã nói ở trên, hiện nay 100% các doanh nghiệp du lịch đều quan tâm sử dụng internet trong hoạt động quảng cáo và kinh doanh. Mặc dù vậy, ứng dụng công nghệ thông tin trong đại đa số các doanh nghiệp du lịch mới dừng ở mức cơ bản, chưa khai thác được tối ưu các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh, thu hút khách hàng cũng như trong quản lý, điều hành doanh nghiệp. Theo khảo sát của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, hiện nay, ngoài hệ thống khách sạn, đặc biệt là khách sạn cao cấp, thương hiệu quốc tế và các hãng hàng không ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh khá thành công thì hầu hết các đối tượng khác liên quan đến hoạt động du lịch như: doanh nghiệp lữ hành, điểm tham quan và các đơn vị vận chuyển đều còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng công nghệ số.

       Ví dụ từ việc nhỏ nhất như bảo vệ tên miền thương hiệu của doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, hàng loạt thương hiệu du lịch uy tín của Việt Nam đã bị mất tên miền .com như: Sài Gòn Tourist (mất tên miền Saigontourist.com), Hà Nội Tourist (mất tên miền Hanoitourist.com), Vitour (mất tên miền Vitours.com), Du lịch Chợ Lớn (mất tên miền Cholontourist.com) v.v.

       Ngoài ra, trong khi các hãng du lịch quốc tế đang ngày càng đổi mới phương thức tiếp thị và bán hàng thông qua các ứng dụng như đặt tour/đặt phòng qua app, quản lý hoạt động kinh doanh và chăm sóc khách hàng bằng hệ thống CRM (Customer Relationship Management), thanh toán trực tuyến… thì rất nhiều doanh nghiệp du lịch Việt Nam vẫn vận hành theo hình thức cũ, vừa chậm chạp vừa tốn kém.

      Do không ý thức được tầm quan trọng của bảo mật thông tin, ứng dụng công nghệ vào quản trị, chậm chân so với các đối thủ cạnh tranh khác nên doanh thu của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, mất khách, chưa kể gánh thêm những rủi ro không đáng có khi không bám sát được thị trường và chậm chạp khi điều hành quản lý.

    * Đối với các doanh nghiệp lữ hành, một số công ty lữ hành lớn như Saigontourist, Vietravel, Vietrantour, Viet Media Travel, Vietnamtourism… đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch với khối lượng sản phẩm phong phú, có thông tin cụ thể về thời điểm, giá cá, các dịch vụ. Website của các công ty này đã giới thiệu và cung cấp nhiều sản phẩm sẵn có của công ty cho khách hàng. Trong khi đó, hầu hết các công ty lữ hành khác chỉ đơn thuần giới thiệu sản phẩm và đề nghị khách hàng đăng ký, công ty sẽ liên hệ lại và thông báo chi tiết.

     * Đối với các điểm tham quan và các đơn vị vận chuyển khác (ngoài hàng không), việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh du lịch chiếm tỷ lệ rất thấp. Cụ thể, theo Euromonitor International, tỉ lệ ứng dụng thương mại điện tử tại các điểm tham quan tại Việt Nam là hầu như chưa có. Tỉ lệ thanh toán trực tuyến của các loại hình vận chuyển du lịch (thuyền, tàu hỏa, xe khách..) tại Việt Nam (trong giai đoạn 2012-2016) chỉ đạt mức 2%-3% và dự đoán mức tăng trưởng trong giai đoạn 2017-2022 ở mức 5%.

      Điều đáng tiếc hơn cả là thị trường du lịch trực tuyến tại Việt Nam dường như đang là mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu quốc tế khai thác. Theo số liệu của Hiệp hội Thương mại Điện tử, các OTAs thương hiệu toàn cầu như Agoda.com, booking.com, Traveloka.com, Expedia.com (bao gồm Trivago.com, hotel.com) đang độc chiếm thị trường Việt Nam, với 80% thị phần Trong khi đó, hiện chỉ có trên 10 công ty Việt Nam có kinh doanh du lịch trực tuyến như: Ivivu.com, chudu24.com, mytour.vn, tripi.vn, mytour.vn, gotadi.com, vntrip.vn… Tuy nhiên, các công ty này cũng chỉ phục vụ thị trường khách trong nước và số lượng giao dịch còn thấp.
    4. Đề xuất giải pháp

     Có thể nói, trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã tác động và lan tỏa trên phạm vi rất rộng như hiện nay, ngành du lịch vừa được hưởng lợi, đồng thời cũng phải đối mặt với áp lực lớn bởi sự cạnh tranh của các quốc gia đi trước và đạt được nhiều thành tựu cả về nghiên cứu chuyên sâu cũng như hoạt động thực tiễn. Điều này đòi hỏi tất cả các thành phần trong ngành du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cấp sản phẩm - dịch vụ du lịch, phải hành động kịp thời, đẩy mạnh áp dụng công nghệ, thực hiện quá trình chuyển đổi số càng sớm càng tốt nếu không muốn bị chậm chân so với các nước trong khu vực.

     Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng năm 2017 lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, năm 2016 Việt Nam chỉ đứng thứ 5 trong các nước ASEAN về số lượng khách quốc tế với hơn 10 triệu lượt và chỉ bằng một phần ba so với Thái Lan.

      Bộ VHTT&DL đã đề xuất Chính phủ các giải pháp để đạt mức tăng trưởng 30% trong năm 2017, phấn đấu đưa du lịch nước ta trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bao gồm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch và mở rộng danh sách các nước được thí điểm áp dụng cấp thị thực điện tử (e-visa).

       Để làm được điều này, cần chú ý những giải pháp sau:

      Thứ nhất, xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ trong lĩnh vực du lịch.

       Đẩy mạnh việc đào tạo trong và ngoài nước đối với đội ngũ cán bộ nghiên cứu có năng lực và trình độ cao, các nhóm nghiên cứu mạnh trong các lĩnh vực ưu tiên về ứng dụng công nghệ trong du lịch nhằm tăng nhanh chất lượng nghiên cứu, sản phẩm khoa học, công nghệ đạt trình độ và chuẩn mực quốc tế; chuyển giao và ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn nhằm góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm du lịch Việt Nam.

      Thứ hai, phát triển, đổi mới hệ thống các cơ quan nghiên cứu và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực du lịch

     Đầu tư nâng cao năng lực khoa học, công nghệ nội sinh cho các đơn vị, cơ quan KH&CN hiện có; đầu tư củng cố nâng cao năng lực nghiên cứu ứng dụng của Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, chú trọng đầu tư chiều sâu (cả về nhân lực và trang thiết bị nghiên cứu) để hình thành tổ chức nghiên cứu có năng lực và chuyên môn cao trong lĩnh vực du lịch ngang tầm các nước trong khu vực. Tăng cường sự phối hợp giữa các viện nghiên cứu, các trường đại học trong cả nước và quốc tế về lĩnh vực du lịch để giải quyết các nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển du lịch. Đổi mới tổ chức và quản lý khoa học và công nghệ theo hướng đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

      Thứ ba, xây dựng chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực du lịch, tập trung vào một số hướng như:

      Đối với hoạt động quản lý:

     Xây dựng có trọng điểm một số hướng ứng dụng công nghệ nhằm thay đổi mạnh về mức độ ứng dụng công nghệ trong quản lý du lịch, bao gồm:

    - Đẩy mạnh số hóa công tác quản lý ngành du lịch, phát triển chính quyền điện tử hướng tới du lịch bền vững, trong đó lấy nhu cầu của khách du lịch, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

    - Ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông (Internet, xây dựng kênh truyền hình riêng cho du lịch, quảng bá trên các kênh truyền hình nổi tiếng…) trong hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch chung của Ngành.

   - Nghiên cứu ứng dụng công nghệ Hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ viễn thám trong quản lý tài nguyên, môi trường du lịch và thực hiện các quy hoạch du lịch ở Việt Nam.

    - Nghiên cứu xây dựng và từng bước ứng dụng hệ thống thông tin quản lý điểm đến.
 Đối với hoạt động kinh doanh du lịch:

    Tập trung vào một số hướng ứng dụng trọng yếu sau:

    - Đầu tư cho công nghệ thông tin bao gồm cả phần cứng và phần mềm, trong đó xây dựng, hoàn thiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh và marketing, bao gồm tăng cường nguồn lực đội ngũ nhân sự công nghệ thông tin tại chỗ, tăng cường thực thi các công cụ online marketing và e-commerce; kiểm soát spam email. Song song với đó, các doanh nghiệp cần xây dựng các sản phẩm du lịch độc đáo, mới lạ, đảm bảo độ chính xác, tin cậy về thông tin, các sản phẩm và dịch vụ.

      Ngoài ra, cần tăng cường quản lý và khai thác hiệu quả mạng xã hội và sức mạnh của quảng cáo truyền miệng; Đầu tư xây dựng website có giao diện thân thiện với smart phone, tăng cường tích hợp các công cụ thanh toán trực tuyến nhằm đẩy mạnh kênh bán lẻ trên nền tảng di động; Số hóa dữ liệu, tăng cường khai thác kho dữ liệu lớn - Big Data…

    - Ứng dụng các mô hình kinh doanh du lịch trực tuyến (mua bán phòng khách sạn, tour du lịch trên mạng…) để từng bước chuyển dần sang mô hình thương mại điện tử trong du lịch (e-tourism) khi các điều kiện về hạ tầng công nghệ và hành lang pháp lý đầy đủ. Phấn đấu đến 2020 xây dựng và vận hành hoàn chỉnh hệ thống thương mại điện tử trong du lịch theo các mô hình G2B, B2B, B2C.
     5. Kết luận

     Ứng dụng công nghệ vào hoạt động du lịch đã mang lại những kết quả đáng kể như đã trình bày ở trên. Với tốc độ tăng trưởng du lịch khá ấn tượng hiện nay và những năm tiếp theo cùng với sự phát triển nhanh, ưu việt của công nghệ, thì ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong hoạt động lữ hành, nhà hàng, khách sạn, cũng như việc quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam sẽ càng có hiệu quả hơn, góp phần đáng kể để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

     Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (2013). Quyết định số 4227/QĐ-BVHTTDL, ngày 29/11/2013 phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030
  2. Tổng cục Du lịch (2017). Báo cáo du lịch thường niên Việt Nam năm 2016
  3. Tổng cục Du lịch (2017). Thông tin về tình hình du lịch Việt Nam 6 tháng đầu năm 2017
  4. Lâm Minh (2017). Doanh nghiệp du lịch Việt vẫn “loay hoay” với ứng dụng CNTT, truy cập từ http://toquoc.vn/du-lich/doanh-nghiep-du-lich-viet-van-loay-hoay-voi-ung-dung-cntt-259319.html
  5. Daintith, John, ed. (2009). "IT", A Dictionary of Physics, Oxford University Press, retrieved 1 August 2012
  6. World Tourism Organization (1995). UNWTO technical manual: Collection of Tourism Expenditure Statistics, p.10.

Tác giả bài viết: Vũ Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây