Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Seminar: Tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn hiện nay

Như chúng ta đã biết ngành du lịch tuy đã xuất hiện từ lâu đời nhưng nó mới thực sự phát triển thành ngành kinh tế phát triển trong khoảng thời gian gần đây.

1. Cơ sở lý luận về kinh doanh khách sạn

1.1.  Khái niệm, đặc điểm kinh doanh khách sạn

1.1.1.1. Khái niệm

      Như chúng ta đã biết ngành du lịch tuy đã xuất hiện từ lâu đời nhưng nó mới thực sự phát triển thành ngành kinh tế phát triển trong khoảng thời gian gần đây. Có thể coi ngành du lịch là ngành kinh tế mới phát triển.Kinh doanh khách sạn cũng như vậy.Để hiểu hơn về kinh doanh khách sạn chúng ta cùng nhìn lại lịch sử hình thành và phát triển của ngành.

       Khái niệm kinh doanh khách sạn ban đầu chỉ hoạt động cung cấp buồng ngủ cho khách trong khách sạn (nhà trọ). Khi nhu cầu lưu trú, ăn uống và các nhu cầu khác ngày càng đa dạng, kinh doanh khách sạn đã mở rộng kinh doanh sang các dịch vụ khác như ăn uống, massage, bưu chính… nhưng kinh doanh lưu trú vẫn là dịch vụ chính, vì vậy loại hình kinh doanh này có tên là "kinh doanh khách sạn" và chúng ta có định nghĩa kinh doanh khách sạn như ngày nay :" Là hoạt động kinh doanh trên cơ sở cung cấp các dịch vụ lưu trú, ăn uống và các dịch vụ bổ sung cho khách nhằm đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ, và giải trí của họ tại điểm du lịch nhằm mục đích có lãi".

1.1.1.1. Đặc điểm

       Thứ nhất, kinh doanh khách sạn phụ thuộc vào tài nguyên du lịch:

      Kinh doanh khách sạn chỉ có thể được tiến hành thành công ở những nơi có tài nguyên du lịch, bởi lẽ tài nguyên du lịch là yếu tố thúc đẩy, thôi thúc con người đi du lịch.Nới nào không có tài nguyên du lịch nơi đó không thể có khách su lịch tới.

       Thứ hai, kinh doanh khách sạn đòi hỏi dung lượng vốn lớn:

      Đặc điểm này xuất phát từ nguyên nhân do yêu cầu về tính chất lượng cao của sản phẩm khách sạn: đòi hỏi các thành phần của cơ sở vật chất kỹ thuật của khách sạn cũng phải có chất lượng cao. Sự sang trọng của các thiết bị lắp đặt bên trong khách sạn là một nguyên nhân đẩy chi phí đầu tư ban đầu của công trình khách sạn lên cao.

       Thứ ba, kinh doanh khách sạn đòi hỏi dung lượng lao động trực tiếp tương đối lớn.

      Sản phẩm của khách sạn chủ yếu mang tính chất phục vụ và sự phục vụ này không thể cơ giới hoá được, mà chỉ thực hiện bởi nhân viên phục vụ trong khách sạn.

       Thứ tư, kinh doanh khách sạn mang tính quy luật:

      Kinh doanh khách sạn chịu sự chi phối của một số quy luật như: quy luật tự nhiên, quy luật kinh tế - xã hội, quy luật tâm lý con người v.v…

1.2. Đặc điểm của sản phẩm khách sạn

       Sản phẩm của khách sạn là tất cả những dịch vụ và hàng hoá mà khách sạn cung cấp nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng kể từ khihọ liên hệ với khách sạn lần đầu để đăng kí phòng cho tới khi tiêu dùng song và rời khách sạn.

       Sản phẩm của khách sạn chủ yếu là dịch vụ nên ta có những đặc điểm của sản phẩm là dịch vụ như:

      - Sản phẩm của khách sạn mang tính vô hình. Đây chính là một đặc tính riêng có của sản phẩm dịch vụ. Ví dụ khi một sản phẩm mới ra đời, thông tin tới được khách hàng có thể nói lên được một vài lợi ích của nó. Tuy nhiên, lợi ích thực sự mà để thấy sản phẩm đó mang lại chỉ có thể nhận biết được sau khi trải qua việc sử dụng.

      - Sản phẩm của khách sạn là dịch vụ không thể lưu kho cất trữ được. Trong các dịch vụ khách sạn dịch vụ phòng bao giờ cũng đem lại lợi ích cao nhất, giá phòng bao giờ cũng được tính dựa trên hao mòn vật chất và hao phí sức lao động của nhân viên phục vụ. Phòng không sử dụng ngày nào vẫn phải trả chi phí phục vụ ngày đó nên khách sạn xây dựng các chiến lược phát triển nhằm thu hút khách và giữ khách ở lại lâu dài, tránh lãng phí.

       - Sản phẩm của khách sạn có tính cao cấp: Khách của khách sạn chủ yếu là khách du lịch. Họ có khả năng thanh toán cao hơn mức thông thường.

       - Sản phẩm của khách sạn có tính tổng hợp cao Tính tổng hợp bắt nguồn từ đặc điểm nhu cầu khách du lịch. Vì vậy trong cơ cấu của sản phẩm khách sạn có nhiều chủng loại sản phẩm. Đặc biệt là các dịch vụ bổ sung.

        - Sản phẩm của khách sạn chỉ được thực hiện khi có sự tham gia trực tiếp của khách hàng

       - Sản phẩm hàng hoá được sản xuất trước khi bán, còn sản phẩm dịch vụ chỉ được tạo ra khi có sự tham gia của khách hàng. Một ví dụ đơn cử như khi khách hàng vào nhà hàng, chỉ sau khi họ yêu cầu thì sự phục vụ của nhân viên mới được thực hiện và chính họ sẽ tiêu dùng dịch vụ ngay tại đó.

2. Tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn

2.1. Khái niệm

      Tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn là những biến động lặp đi lặp lại theo một chu kỳ thời gian của cung và cầu dịch vụ  (đối với các sản phẩm du lịch, khách sạn) diễn ra dưới tác động của một số nhân tố xác định như thời tiết, khí hậu, loại hình du lịch... và trong thực tế thì đó là tập hợp những biến động theo mùa của cung và cầu du lịch tại các khu du lịch.

      Tính thời vụ có ở tất cả các điểm, các khu vực có hoạt động du lịch, khách sạn.Nhưng quá trình diễn ra giữa các vùng, các khu vực có sự khác nhau phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

       Một điểm du lịch, khu du lịch, khách sạn  thì có thể có một hoặc nhiều thời vụ du lịch và nó phụ thuộc vào các thể loại du lịch phát triển ở khu vực đó.

      Tại các khu vực mà hoạt động du lịch phát triển thì mùa du lịch thường kéo dài hơn, mức độ thay đổi của cường độ hoạt động du lịch nhỏ hơn.

     Độ dài của mùa du lịch và cường độ mùa chính còn phụ thuộc vào thể loại du lịch khác nhau.Thông thường loại hình du lịch chữa bệnh thường có độ dài hơn nhưng cường độ yếu vì giá trị tài nguyên du lịch phục vụ cho loại hình du lịch này ít biến động trong năm. Trong khi đó du lịch nghỉ biển thì ngược lại: mùa du lịch ngắn hơn nhưng cường độ mùa chính cao hơn nhiều vì tài nguyên du lịch phục vụ cho thể loại này phụ thuộc nhiều vào thời tiết khí hậu.

      Để đơn giản hoá ta có thể nghiên cứu tính thời vụ trong du lịch, khách sạn qua sự thay đổi của cường độ hoạt động kinh doanh du lịch qua các khoảng thời gian (mỗi tháng, mỗi ngày). Về mặt tổng quát có thể biểu thị thời vụ du lịch theo đồ thị sau

1

Trong đó:

      + Chính vụ: (trong vụ) là khoảng thời gian mà cường độ hoạt động du lịch mạnh và cũng chính là thời gian mà doanh thu cũng như số lượng khách hàng tập trung chủ yếu.

       + Đỉnh vụ: là thời điểm mà cường độ hoạt động đạt mức cao nhất.

       + Ngoài vụ: (trái vụ) là khoảng thời gian không phải là chính vụ, thời điểm lượng khách cũng như doanh thu mang lại là ít, rất nhỏ bé so với thời điểm chính vụ. Ngoài vụ bao gồm có trước vụ và sau vụ.

       + Trước vụ: khoảng thời gian trước chính vụ.

       + Sau vụ: khoảng thời gian sau chính vụ.

        Tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn tồn tại một cách khách quan, nó gắn liền với ngành du lịch và gây ra rất nhiều khó khăn cho việc kinh doanh đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Ngoài ra nó còn gây một số tác hại về mặt kinh tế xã hội, tổ chức sản xuất kinh doanh... Sau đây xin được nêu các ảnh hưởng của tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn:

2.2. Ảnh hưởng của tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn

2.2.1. Đối với tài nguyên du lịch.

        Tính thời vụ trong khách sạn làm cho việc sử dụng tài nguyên du lịch bất hợp lý, gây ra lãng phí lớn.Cụ thể là trong mùa chính thì sử dụng quá tải nguồn tài nguyên dẫn đến xuống cấp, cạn kiệt hoặc những hư hỏng.Trong khi đó khoảng thời gian trái vụ lại hầu như không được sử dụng cũng như không kịp để sửa chữa, phục hồi.

2.2.2. Đối với môi trường sinh thái.

      Với cường độ hoạt động cao trong mùa vụ sẽ dẫn đến những tác động không nhỏ tới môi trường sinh thái.Xả rác thải bừa bãi, ô nhiễm nguồn nước, làm hỏng cảnh quan.

2.2.3. Đối với hoạt động sản xuất kinh doanh

      Tính thời vụ làm cho hoạt động của cơ sở kinh doanh không đều, vào mùa vụ thì cường độ hoạt động cao dẫn đến doanh thu, lợi nhuận cao còn ngoài vụ thì cường độ hoạt động thấp chỉ mang tính chất duy trì.

2.2.4. Đối với nguồn nhân lực.

       Việc sử dụng cũng như trình độ nhân lực gặp rất nhiều tác động xấu. Cụ thể là trong thời gian chính vụ cần một đội ngũ lao động đông đảo, với rất nhiều các công đoạn, công việc cụ thể khác nhau trong khi đó ngoài vụ thì chỉ cần một lượng lao động vừa phải với tính chất công việc chỉ là nhằm duy trì. Điều này dẫn tới rất khó khăn cho đơn vị kinh doanh du lịch trong việc tuyển chọn đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực trong mùa vụ, thường thì khi chuẩn bị vào mùa vụ lại phải tổ chức tuyển chọn và đào tạo cho một số lao động lớn nhưng khi hết mùa vụ thì lượng lao động này lại không có việc và họ phải tìm kiếm các công việc khác nhằm duy trì cuộc sống, đến vụ sau việc tuyển chọn và đào tạo gần như phải làm mới hoàn toàn với những con người mới. Chính vì vậy trình độ của đội ngũ lao động không được đảm bảo.

2.2.5. Đối với khách hàng.

        Đó là việc  khách vào chính vụ thì qúa đông dẫn đến nhìn xung quanh lúc nào cũng chỉ thấy người là người, các dịch vụ thì có khi lại không đảm bảo chất lượng với việc xô bồ lộn xộn, giá cả cao hoặc bị chèn ép, có khi lại gặp những trường hợp quá tải dẫn đến không có dịch vụ đáp ứng như không có phòng cho thuê, không có hàng ăn, giải khát...

2.2.6.Đối với các đối tượng khác

      Đối với dân cư địa phương bị ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế xã hội đặc biệt là đối với những người có đời sống gắn liền với hoạt động kinh doanh du lịch khách sạn ví dụ những người bán hàng rong... ; chính quyền địa phương thất thu các khoản thuế, lệ phí không nhỏ ngoài mùa vụ; các ngành nghề lĩnh vực kinh tế khác như ngành nông nghiệp, ngành nghề truyền thống, thủ công mỹ nghệ, điện, nước, viễn thông cũng bị ảnh hưởng trong việc cung cấp các sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho hoạt động du lịch.

3. Giải pháp khắc phục tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn

3.1. Các căn cứ để khắc phục tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn

       Việc khắc phục tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn là một yêu cầu cấp thiết đặc biệt là đối với các điểm du lịch bị ảnh hưởng nặng của nó. Một số căn cứ để đề ra các biện pháp khắc phục là:

       - Căn cứ vào sức hấp dẫn và khả năng tiếp nhận của tài nguyên du lịch hiện có ở khu du lịch.

     - Căn cứ vào số lượng khách du lịch hiện tại của khách sạn cũng như số lượng khách tiềm năng mà khách sạn sẽ thu hút được trong tương lai.

      - Căn cứ vào sức tiếp nhận của cơ sở vật chất kỹ thuật ở khách sạn là lớn hay nhỏ.

     - Căn cứ vào nguồn cung ứng lao động ở địa phương, trình độ nghiệp vụ của cán bộ công nhân viên cũng như kinh nghiệm tổ chức hoạt động tại khách sạn.

      - Căn cứ vào khả năng kết hợp các loại hình dịch vụ của khách sạn có đồng nhất hay không. Theo hướng phát triển đồng thời nhiều thể loại dịch vụ nhằm hạn chế tính thời vụ ở khách sạn. Để phát triển các loại hình dịch vụ ở khách sạn còn phụ thuộc vào các yếu tố tại đó như:

       + Tính hấp dẫn của tài nguyên du lịch ngoài mùa chính đối với thể loại du lịch cơ bản.

       + Khả năng huy động những tài nguyên chưa được khai thác

       + Cơ cấu nguồn khách tiềm năng

      + Nguồn vốn đầu tư để có thể huy động cho việc xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ (chú ý xét tới tính hiệu quả của nó).

3.2. Một số giải pháp khắc phục tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn

3.2.1. Giá cả

       Hàng hoá vận động theo quy luật cung cầu, có một sự liên quan chặt chẽ giữa chất lượng sản phẩm và giá cả. Giá cả còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút khách đặc biệt với thị trường khách chủ yếu là học sinh, sinh viên có độ co dãn theo giá là khá cao.

       Xây dựng chính sách giá là một công việc khó đỏi hỏi có những quyết định đúng đắn.

2

      - Mục tiêu Marketing: một số mục tiêu cơ bản được chỉ ra là:

      + Tối đa hoá lợi nhuận

      + Dẫn đầu về thị trường

      + Dẫn đầu về chất lượng sản phẩm dịch vụ

      + An toàn, đảm bảo sống sót

      + Các mục tiêu khác

3.2.2. Khách hàng

      Hiện nay cũng như trong tương lai du khách chủ yếu của công ty vẫn là học sinh, sinh viên, đối tượng này có độ co dãn theo giá là cao chính vì vậy cần có một chiến lược giá linh hoạt thấp hơn cho các đối tượng này. Cụ thể bằng việc bán chương trình tới tận các trường học, áp dụng các hình thức giảm giá khuyến mại như đi nhóm đông thì giảm cho một số vé vào cổng, vào bể bơi. Đối với đối tượng khách khác có mức thu nhập, khả năng chi trả cao hơn thì cần có một sự cứng nhắc hơn như không giảm số vé. Thực hiện điều này đòi hỏi tự tinh tế linh hoạt của các nhân viên bán vé vào cổng, vào bể bơi. Yêu cầu chung là hình thành được một mức giá làm cơ bản cho các đối tượng khác nhau:

      - Giá cho khách đi theo đoàn

      - Giá cho khách tham quan

      - Giá cho khách quốc tế

      - Giá cho khách vãng lai

      - Giá cho khách điều dưỡng chữa bệnh

      - Giá cho khách lưu trú dai ngày

3.2.3. Chính sách nhà nước

      Để hạn chế bớt các tác động bất lợi của tính thời vụ trong kinh doanh du lịch, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần xây dựng chiến lược và đặt ra kế hoạch cụ thể.

       Các cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện các biện pháp hỗ trợ các tỉnh xúc tiến du lịch trong thời gian thấp điểm. Tăng cường tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao, các hoạt động văn hóa, văn nghệ toàn quốc và quốc tế trong thời gian từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau để thu hút khách. Giãn bớt việc tổ chức các hoạt động trong thời gian cao điểm.

3.2.4. Cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cấp khách sạn về mọi mặt

       Về phía các khách sạn trong thời gian vắng khách, cần tổ chức nâng cấp khách sạn, bổ sung các dịch vụ phụ trợ, đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ phục vụ tại đơn vị mình. Ngoài ra, các đơn vị cần thực hiện nhiều biện pháp nhằm tiết kiệm chi phí trong mùa vắng khách, tuy nhiên cũng cần bảo đảm mức lương tối thiểu cho người lao động để giữ nguồn nhân lực.

       - Áp dụng các chương trình khuyến mại

       - Bán phòng trên các kênh phân phối

       - Thiết kế lại Website khách sạn-Nâng cao chất lượng chăm sóc khách hàng

3.5. Yếu tố con người

      Yếu tố con người được xem xét trên cả góc độ những người lãnh đạo cao nhất trong các doanh nghiệp, các cấp quản lý trung gian.

       - Có một đội ngũ lao động chính thức đầy đủ với chất lượng cao.

      - Có lực lượng lao động cơ hữu lớn, là nhân dân địa phương, có trình độ nghiệp vụ tương đối, luôn trong trạng thái sẵn sàng đi làm nếu Công ty có nhu cầu.

       - Có Chính sách trả lương, thưởng hợp lý theo chế độ chấm công và bình bầu xếp hạng.

4. Kết luận

      Tính thời vụ trong kinh doanh khách sạn không phải là vấn đề mới, nhưng xét tại mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp đều có những đặc thù riêng và làm cho những tính chất của tính thời vụ phong phú thêm.Vì vậy mỗi doanh nghiệp kinh doanh khách sạn cần nghiên cứu và lựa chọn cho đơn vị mình giải pháp tối ưu nhất nhằm mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Tác giả bài viết: Vũ Hường - Nguyễn Huế

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây