Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Seminar: Tiêu chuẩn giảng viên đại học trong giai đoạn hiện nay

Công tác chuẩn hóa trình độ của CBVC đại học và cao đẳng là một yếu điểm lớn trong nền giáo dục Việt Nam; hiện tượng này có nguyên nhân sâu xa của nó. Ngày 06/3/2018, Bộ môn Quản trị kinh doanh - khoa Kinh tế tổ chức seminar với chủ đê tiêu chuẩn giảng viên đại học trong giai đoạn hiện nay
I. Đặt vấn đề

         Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước bắt tay ngay vào việc xây dựng một nền giáo dục dân tộc và dân chủ, phục vụ kháng chiến và kiến quốc. Nhiều nhân sĩ, trí thức theo tiếng gọi của Đảng đã cùng chung tay góp sức xây dựng nền giáo dục của dân tộc, đào tạo những thế hệ trí thức trẻ trên nguyên tắc “Dân tộc, khoa học, đại chúng”.

        Qua thực tế xã hội, đòi hỏi công cuộc đổi mới toàn diện nền giáo dục Việt Nam phải tập trung hàng đầu và nhiều hơn cho vấn đề chất lượng. Đã qua rồi thời kỳ “học chay, học chạy”, công cuộc đổi mới hiện tại là phải nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang chiều sâu. Đại hội XI của Đảng đã đề ra hai nhiệm vụ cho ngành giáo dục: Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đột phá xây dựng nguồn.

II. Vai trò và chức năng của giảng viên đại học trong giai đoạn hiện nay

     Giáo dục nước nhà đang trong cơn chuyển mình để tìm ra con đường phát triển cho chính mình và cho cả tương lai dân tộc. Trong cuộc chuyển mình đó, thầy cô giáo đóng vai trò là những tiên phong vì chất lượng giáo dục nói cho cùng gắn liền với chất lượng đội ngũ.

      Định nghĩa thế nào là một giảng viên đại học? Một giảng viên cần thực hiện những vai trò và chức năng gì? Họ cần những phẩm chất gì để thực hiện tốt những chức năng của mình? – đây là những câu hỏi khá căn bản nhưng quan trọng cần được trả lời thấu đáo bởi chính các giảng viên cũng như các nhà quản lý giáo dục. Các câu hỏi không mới và cũng đã được tiếp cận từ lâu, nhưng trong bối cảnh hiện nay khi các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc tế có những thay đổi sâu sắc thì việc định nghĩa lại vai trò của đội ngũ giảng viên trở nên bức xúc hơn bao giờ hết.

     Hiện nay ở các trường đại học lớn ở các quốc gia phát triển, giảng viên đại học được định nghĩa trong ba chức năng chính: (1) Nhà giáo, (2) Nhà khoa học, và (3) Nhà cung ứng dịch vụ cho cộng đồng.

Giảng viên =  Nhà giáo + Nhà khoa học + Nhà cung ứng dịch vụ

*  Giảng viên - Nhà giáo

      Đây là vai trò truyền thống, nhưng quan trọng và tiên quyết đối với một giảng viên. Một giảng viên giỏi trước hết phải là một người thầy giỏi. Theo các nhà giáo dục thế giới thì một giảng viên tòan diện là người có (được trang bị) 4 nhóm kiến thức/ kỹ năng sau:

      - Kiến thức chuyên ngành: kiến thức chuyên sâu về chuyên ngành và chuyên môn học mà mình giảng dạy.

       - Kiến thức về chương trình đào tạo: tuy mỗi giảng viên đều đi chuyên về một chuyên ngành nhất định, nhưng để đảm bảo tính liên thông, gắn kết giữa các môn học thì giảng viên phải được trang bị (hoặc tự trang bị) các kiến thức về cả chương trình giảng dạy.

      - Kiến thức và kỹ năng về dạy và học: bao gồm khối kiến thức về phương pháp luận, kỹ thuật dạy và học nói chung và dạy/ học trong từng chuyên ngành cụ thể.

       - Kiến thức về môi trường giáo dục, hệ thống giáo dục, mục tiêu giáo dục, giá trị giáo dục… Đây có thể coi là khối kiến thức cơ bản nhất làm nền tảng cho các hoạt động dạy và học.

* Giảng viên – nhà khoa học

         Ở vai trị thứ hai này, giảng viên thực hiện vai trò nhà khoa học với chức năng giải thích và dự báo các vấn đề của tự nhiên và xã hội mà loài người và khoa học chưa có lời giải. Nghiên cứu khoa học, tìm cách ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học về thực tiễn đời sống và công bố các kết quả nghiên cứu cho cộng đồng (cộng đồng khoa học, xã hội nói chung, trong nước và quốc tế) là ba chức năng chính của một nhà khoa học. Từ đây có hai xu hướng nghiên cứu chính: nghiên cứu cơ bản (basic research) và nghiên cứu ứng dụng (applied research). Khác với nghiên cứu cơ bản mang tính giải thích và dự báo các vấn đề chưa khai phá của tự nhiên và xã hội, nghiên cứu ứng dụng là loại nghiên cứu hướng đến việc ứng dụng các kết quả của nghiên cứu cơ bản vào giải quyết các vấn đề cụ thể của xã hội. Thông thường nghiên cứu cơ bản được coi là vai trò chính của các giảng viên đại học. Còn nghiên cứu ứng dụng mang tính công nghệ thường là kết quả của mối liên kết giữa các nhà khoa học và nhà ứng dụng (các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội). Do vậy nghiên cứu ứng dụng thường có màu sắc của các dự án tư vấn được đặt hàng bởi cộng đồng doanh nghiệp (và do doanh nghiệp tài trợ).

*  Giảng viên – nhà cung ứng dịch vụ cho xã hội

       Đây là một vai trò mà rất nhiều giảng viên đại học Việt Nam đang thực hiện – nó cũng là một vai trị mà xã hội đánh giá cao và kỳ vọng ở các giảng viên. Ở vai trị này, giảng viên cung ứng các dịch vụ của mình cho nhà trường, cho sinh viên, cho các tổ chức xã hội – đoàn thể, cho cộng đồng và cho xã hội nói chung. Cụ thể đối với nhà trường và sinh viên, một giảng viên cần thực hiện các dịch vụ như tham gia công tác quản lý, các công việc hành chính, tham gia các tổ chức xã hội, cố vấn cho sinh viên, liên hệ thực tập, tìm chỗ làm cho sinh viên… Với ngành của mình, giảng viên làm phản biện cho các tạp chí khoa học, tham dự và tổ chức các hội thảo khoa học.

 III. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giảng viên và tiêu chí đánh giá giảng viên đại học trong giai đoạn hiện nay.

1. Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của giảng viên

       Theo Thông tư liên tịch Số: 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV Quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập chỉ rõ chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập bao gồm:

Thứ nhất, Giảng viên cao cấp (hạng I) - Mã số: V.07.01.01

        * Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:

         a) Có bằng tiến sĩ phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;
         b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên;
         c) Có chứng chỉ bồi dưỡng giảng viên cao cấp (hạng I);
         d) Có trình độ ngoại ngữ bậc 4 (B2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

         Đối với giảng viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 4 (B2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

         đ) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

        * Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
        a) Có kiến thức chuyên sâu về các môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức vững vàng của một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;
       b) Nắm vững thực tế và xu thế phát triển của công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học của chuyên ngành;
        c) Chủ trì thực hiện ít nhất 02 (hai) đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc 01 (một) đề tài nghiên cứu khoa học cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;
        d) Hướng dẫn ít nhất 02 (hai) học viên đã bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ hoặc hướng dẫn ít nhất 01 (một) nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.

       Đối với giảng viên giảng dạy các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khỏe, hướng dẫn 01 (một) học viên bảo vệ thành công luận văn chuyên khoa cấp II tương đương với hướng dẫn 01 (một) học viên bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ.

        Đối với giảng viên giảng dạy các ngành nghệ thuật có thể thay thế việc hướng dẫn 01 (một) nghiên cứu sinh bằng 01 (một)  công trình nghiên cứu, sáng tác được giải thưởng có uy tín trong và ngoài nước.

       Đối với giảng viên không tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ thì số lượng đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu phải gấp hai lần số lượng đề tài nghiên cứu khoa học quy định tại Điểm c khoản 3 Điều này;

       đ) Chủ trì biên soạn ít nhất 02 (hai) sách phục vụ đào tạo được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo;

      e) Có ít nhất 06 (sáu) bài báo khoa học đã được công bố, bao gồm: Bài báo khoa học đã được công bố trên tạp chí khoa học; báo cáo khoa học tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc gia, quốc tế được đăng tải trên kỷ yếu hội nghị, hội thảo; kết quả ứng dụng khoa học, công nghệ (sau đây gọi chung là bài báo khoa học);
      g) Viên chức thăng hạng từ chức danh giảng viên chính (hạng II) lên chức danh giảng viên cao cấp (hạng I) phải có thời gian giữ chức danh giảng viên chính (hạng II) hoặc tương đương tối thiểu là 06 (sáu) năm, trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giảng viên chính (hạng II) tối thiểu là 02 (hai) năm.

Thứ hai, Giảng viên chính (hạng II) - Mã số: V.07.01.02

         1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
        a) Có bằng thạc sĩ trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;
        b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên;
        c) Có chứng chỉ bồi dưỡng giảng viên chính (hạng II);
        d) Có trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo  dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

       Đối với giảng viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 3 (B1) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

        đ) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

        2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
       a) Có kiến thức vững vàng về các môn học được phân công giảng dạy và kiến thức cơ bản của một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;
        b) Nắm vững mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công đảm nhiệm; nắm bắt yêu cầu thực tiễn đối với chuyên ngành đào tạo;
        c) Chủ trì thực hiện ít nhất 01 (một) đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở hoặc cấp cao hơn đã nghiệm thu với kết quả từ đạt yêu cầu trở lên;
       d) Chủ trì hoặc tham gia biên soạn ít nhất 01 (một) sách phục vụ đào tạo được sử dụng trong giảng dạy, đào tạo;

         đ) Có ít nhất 03 (ba) bài báo khoa học đã được công bố;

        e) Viên chức thăng hạng từ chức danh giảng viên (hạng III) lên chức danh giảng viên chính (hạng II) phải có thời gian giữ chức danh giảng viên (hạng III) hoặc tương đương tối thiểu là 09 (chín) năm đối với người có bằng thạc sĩ, 06 (sáu) năm đối với người có bằng tiến sĩ; trong đó thời gian gần nhất giữ chức danh giảng viên (hạng III) tối thiểu là 02 (hai) năm.

Thứ ba,  Giảng viên (hạng III) - Mã số: V.07.01.03

        1. Tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng:
        a) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với vị trí việc làm, chuyên ngành giảng dạy;
        b) Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên;
       c) Có trình độ ngoại ngữ bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam.

        Đối với giảng viên dạy ngoại ngữ thì trình độ ngoại ngữ thứ hai phải đạt bậc 2 (A2) theo quy định tại Thông tư số 01/2014/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 01 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;

        d) Có trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.
        2. Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ:
       a) Nắm vững kiến thức cơ bản của môn học được phân công giảng dạy và có kiến thức tổng quát về một số môn học có liên quan trong chuyên ngành đào tạo được giao đảm nhiệm;
        b) Nắm vững mục tiêu, kế hoạch, nội dung, chương trình các môn học được phân công thuộc chuyên ngành đào tạo. Xác định được thực tiễn và xu thế phát triển đào tạo, nghiên cứu của chuyên ngành ở trong và ngoài nước;
       c) Biên soạn giáo án, tập hợp các tài liệu tham khảo liên quan của bộ môn, chủ trì hoặc tham gia biên soạn giáo trình, sách hướng dẫn bài tập, thực hành, thí nghiệm;
        d) Có khả năng tham gia nghiên cứu khoa học và tổ chức cho sinh viên nghiên cứu khoa học; ứng dụng, triển khai những kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ vào công tác giáo dục và đào tạo, sản xuất và đời sống;

        đ) Có phương pháp dạy học hiệu quả, phù hợp với nội dung môn học; giảng dạy đạt yêu cầu trở lên.

2. Tiêu chí đánh giá giảng viên đại học trong giai đoạn hiện nay

        Theo kết quả của nhiều cuộc điều tra nghiên cứu, trường đại học, nhất là các đại học nghiên cứu là nơi giao thoa của ba chức năng: đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ xã hội (Education - Research - Service). Theo đó, các thành viên trong mỗi nhà trường đại học, sau đây gọi chung là giảng viên sẽ được đánh giá dựa vào sự đóng góp của họ trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và phục vụ xã hội.

      * Lĩnh vực thứ nhất: giảng dạy

        Năng lực 1: Thành tích trong giảng dạy

      - Tiêu chí 1: Những ấn phẩm về giáo dục như phản biện các bài báo của đồng nghiệp tham gia viết sách, xây dựng bài giảng qua các băng video, đĩa CD.

       - Tiêu chí 2: Trình bày báo cáo  về lĩnh vực giáo dục: Trình bày báo cáo tại các hội nghị quốc tế, báo cáo viên cho các hội nghị.

       - Tiêu chí 3: Số các giải thưởng về giáo dục được nhận kể cả trong và ngoài nước.

        Năng lực 2: Số lượng và chất lượng giảng dạy

       - Tiêu chí 1: Luôn có những sáng kiến đổi mới trong giảng dạy thể hiện ở việc áp dụng các kỹ năng giảng dạy mới, sử dụng các phương pháp kiểm tra đánh giá mới phù hợp với trình độ của sinh viên. Tham gia tích cực vào các chương trình bồi dưỡng phát triển chuyên môn, tham gia giảng dạy hệ sau đại học, tham gia hướng dẫn luận văn…

       - Tiêu chí 2: Tham gia vào việc xây dựng phát triển các chương trình đào tạo, có ý thức tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia để không ngừng nâng cao trình độ giảng dạy.

       - Tiêu chí 3: Tham gia vào việc đánh giá sinh viên, đặc biệt là việc tham gia vào các hội đồng chấm khoá luận, luận văn hoặc luận án.

       Năng lực 3: Hiệu quả trong giảng dạy

        - Tiêu chí 1: Thiết kế và trình bày bài giảng phù hợp với trình độ kiến thức của sinh viên đối với môn học

        - Tiêu chí 2: Cung cấp cho sinh viên kiến thức mới, cập nhật,

        - Tiêu chí 3: Tham gia tích cực vào các hoạt động liên quan đến giảng dạy.

        Năng lực 4: Tham gia vào đánh giá và phát triển chương trình đào tạo, tài liệu học tập.

        - Tiêu chí 1: Đánh giá và phát triển chương trình đào tạo

        - Tiêu chí 2: Đánh giá và phát triển học liệu phục vụ cho giảng dạy

        - Tiêu chí 3: Tự đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ

       * Lĩnh vực thứ hai: Nghiên cứu khoa học

         Nghiên cứu khoa học được quan niệm là một chức năng đặc trưng của giáo dục đại học. Có rất nhiều cách để đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học cũng như hoạt động sáng tạo của giảng viên.

         Năng lực 1: Các công trình nghiên cứu khoa học được công bố

        - Tiêu chí 1: Số lượng và chất lượng các ấn phẩm được xuất bản trong các tạp chí khoa học (đặc biệt là danh tiếng của các tạp chí) hoặc các hội nghị khoa học ở trong và ngoài nước liên quan đến các công trình nghiên cứu.

        - Tiêu chí 2: việc phát triển và tìm tòi các kỹ năng và quy trình nghiên cứu mới.

        - Tiêu chí 3: Kết quả nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn, vào giảng dạy.

        Năng lực 2: Số lượng sách và tài liệu tham khảo được xuất bản/ sử dụng

       - Tiêu chí 1: Sách và các công trình nghiên cứu chuyên khảo

       - Tiêu chí 2: Số lượng các chương viết trong sách hoặc đánh giá về các bài báo.

       - Tiêu chí 3: Báo cáo về các hoạt động học thuật/ kỹ năng nghiên cứu

        Năng lực 3: Tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học

       - Tiêu chí 1: Số lượng các đề tài, dự án, các công trình nghiên cứu khoa học tham gia

       - Tiêu chí 2: Vai trò làm chủ nhiệm các đề tài/ dự án nghiên cứu khoa học

       - Tiêu chí 3: Hướng dẫn bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ

        Năng lực 4: Tham gia các hội nghị/hội thảo

      - Tiêu chí 1: Tham gia với vai trò là người thuyết trình cho các hội nghị/hội thảo trong và ngoài nước

        - Tiêu chí 2; Tham gia giảng dạy và nghiên cứu khoa học

        - Tiêu chí 3: Các giải thưởng về khoa học

* Lĩnh vực thứ 3: Phục vụ xã hội/ cộng đồng

       Năng lực 1: Tham gia đóng góp để phát triển nhà trường và cộng đồng

       - Tiêu chí 1: Tham gia vào các hoạt động của các tổ chức chính quyền, đoàn thể ở các cấp độ khác nhau trong nhà trường/xã hội

       - Tiêu chí 2: Tham gia vào việc truyền thụ kiến thức khoa học cho cộng đồng thông qua trả lời các bài phỏng vấn, các bài báo.

       - Tiêu chí 3: Tham gia đóng góp các chương trình giáo dục đặc biệt cho cộng đồng

      Năng lực 2: Tham gia vào các Hội đồng chuyên môn

       - Tiêu chí 1: Tham gia vào các hội đồng xem xét, lựa chọn xét duyệt giải thưởng

       - Tiêu chí 2: Tham gia vào việc tổ chức hội nghị, hội thảo

       - Tiêu chí 3: Tham gia vào Hội đồng thẩm định/ biên tập

        Năng lực 3: Phục vụ xã hội cộng đồng

      - Tiêu chí 1: Đầu tư thời gian, trí tuệ cho các hoạt động của các tổ chức xã hội ở các địa phương

        - Tiêu chí 2: Giúp đỡ các nhà khoa học của các địa phương thực hiện các đề tài, dự án.

        - Tiêu chí 3: Tham gia vào các hoạt động từ thiện

IV. Kết luận

       Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nhà trường. Điều đó không chỉ quyết định bằng các chủ trương chính sách mà cần có sự tích cực hưởng ứng và tự giác thực hiện của nhà trường.

       Nói tóm lại, đánh giá giảng viên là một việc hoàn toàn không hề đơn giản, tuy nhiên để công việc này có ý nghĩa cho việc thúc đẩy sự phấn đấu vươn lên của mỗi giảng viên thì việc các trường đại học căn cứ vào sứ mạng, nhiệm vụ cụ thể của trường mình để thiết kế, xây dựng một hệ thống các tiêu chí liên quan đánh giá toàn diện các hoạt động của giảng viên là một vấn đề quan trọng và cần thực hiện ngay. Có như vậy mới xây dựng được đội ngũ vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, góp phần quan trọng khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường trong xã hội.

Tác giả bài viết: Vũ Hường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây