Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài ở Việt Nam hiện nay

Trọng tài thương mại là một trong bốn hình thức cơ bản để giải quyết tranh chấp thương mại được quy định ở hầu hết các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

1. Đặt vấn đề

        Trọng tài thương mại là một trong bốn hình thức cơ bản để giải quyết tranh chấp thương mại được quy định ở hầu hết các nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài thương mại hiện đang được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phương thức giải quyết tranh chấp trong tương lai với nhiều ưu điểm nổi trội, được các doanh nghiệp trên thế giới tin dùng. Để hội nhập vào nền kinh tế thế giới một cách nhanh chóng và bền vững, Việt Nam cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật về trọng tài nói riêng cho phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới. Năm 2003 Quốc hội Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại, và đế năm 2010 thì Việt Nam có luật Trọng tài thương mại (luật TTTM) - là luật TTTM hiện hành của Việt Nam, dưới luật chúng ta có Nghị quyết số: 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy luật TTTM 2010 của Việt Nam.

Ảnh: (Internet)

2. Trọng tài thương mại và giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài

2.1. Trọng tài thương mại

a. Khái niệm

       Theo Khoản 1 Điều 3 Luật TTTM: “Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này”. Theo đó, trọng tài thương mại là một hình thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, được thực hiện bởi Hội đồng trọng tài hoặc một trọng tài viên duy nhất với tư cách là bên thứ ba độc lập nhằm giải quyết tranh chấp bằng việc đưa ra một phán quyết trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên tranh chấp và có hiệu lực bắt buộc đối với các bên. Trọng tài là một cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại, được thành lập tự nguyện bởi các trọng tài viên để giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại bởi các bên tranh chấp.

b. Các hình thức tổ chức trọng tài thương mại

       Phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế - xã hội, truyền thống pháp lý, phong tục tập quán của mỗi quốc gia mà mô hình tổ chức trọng tài ở các quốc gia trên thế giới khá đa dạng. Song trọng tài giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại tồn tại chủ yếu dưới hai hình thức, đó là trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực:

      Trọng tài vụ việc: Trọng tài vụ việc là phương thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ tranh chấp giữa các bên và trọng tài sẽ tự chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ tranh chấp.

     Trọng tài thường trực: Theo pháp luật Việt Nam, trọng tài thường trực được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài. Trung tâm trọng tài là tổ chức phi chính phủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu và có tài khoản riêng, trụ sở giao dịch ổn định.

c. Ưu, nhược điểm của giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài

* Ưu điểm:

       Thực tiễn hoạt động giải quyết tranh chấp kinh doanh - thương mại bằng Trọng tài cho thấy có những ưu điểm sau:

      - Thứ nhất, trọng tài tôn trọng ý chí thỏa thuận của 02 bên tranh chấp.

      - Thứ hai, thủ tục nhanh chóng, linh hoạt.

      - Thứ ba, bảo mật thông tin.

     - Thứ tư, giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại giúp duy trì được mối quan hệ đối tác của các bên.

      - Thứ năm, phán quyết trọng tài được sự công nhận quốc tế.

* Nhược điểm:

      - Thứ nhất, chi phí trọng tài cao.

      - Thứ hai, việc điều tra, xác minh chứng cứ, áp dụng các biện pháp khẩn cấp mất nhiều thời gian hơn so với Tòa án.

       - Thứ ba, phán quyết của trọng tài có thể bị yêu cầu tòa án xem xét lại.

       - Thứ tư, việc thực hiện các phán quyết của trọng tài phụ thuộc phần lớn vào ý thức tự nguyện của các bên.

3. Thực trạng giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài ở Việt Nam hiện nay

* Tình hình giải quyết tranh chấp thương mại bằng phương thức trọng tài

      Triển khai thi hành Luật Trọng tài thương mại năm 2010, các trung tâm trọng tài của nước ta từng bước được củng cố, kiện toàn về tổ chức và hoạt động. Hiện nay, nước ta có 14 trung tâm trọng tài đang hoạt động với tổng số 349 trọng tài viên, trong đó, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) có số trọng tài viên nhiều nhất, chiếm gần 43% tổng số trọng tài viên của cả nước.

       Giai đoạn 2011 - 2015 là giai đoạn nước ta hội nhập kinh tế toàn cầu ngày càng sâu rộng hơn, lĩnh vực thương mại quốc tế phát triển mạnh mẽ. Nhưng đi kèm theo đó là sự phát sinh tranh chấp thương mại quốc tế đòi hỏi phương thức giải quyết hữu hiệu hơn. Các doanh nghiệp đã nhìn nhận và đánh giá tích cực phương thức hòa giải bằng trọng tài. Số lượng vụ việc tranh chấp mà các Trung tâm trọng tài thụ lý giải quyết đã tăng lên 30% so với trước đây. Theo số liệu thống kê trong giai đoạn từ năm 2011 đến 31/12/2015, các trung tâm trọng tài đã ban hành 1.831 phán quyết trọng tài, riêng trong năm 2015, các trung tâm trọng tài đã giải quyết được 1.255 vụ tăng 389 vụ việc so với năm 2014. Trong đó, VIAC đã thụ lý, giải quyết 226 vụ, trung bình gần 60 vụ/năm; Trung tâm Trọng tài thương mại thành phố Hồ Chí Minh (TRACENT) thụ lý, giải quyết 291 vụ, trung bình hơn 70 vụ/năm. Các trung tâm trọng tài khác chỉ giải quyết từ 5 đến 10 vụ/năm. Số vụ việc do các trung tâm trọng tài thụ lý, giải quyết cũng phong phú, đa dạng hơn, diễn ra trong nhiều lĩnh vực như mua bán hàng hóa, xây dựng, sở hữu trí tuệ, lao động, phân phối, đại lý và trung gian, bảo hiểm thương mại, đầu tư nước ngoài, tranh chấp hàng hải, tín dụng và thanh toán quốc tế và ngày càng có nhiều bên tranh chấp mang quốc tịch nước ngoài… Trong thời gian gần đây, với sự ra đời của các chế tài bảo vệ người tiêu dùng theo pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, thì số vụ việc tranh chấp giữa người tiêu dùng với công ty tài chính cho vay tiêu dùng, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp sản xuất hàng hóa... được trung tâm trọng tài thụ lý, giải quyết đã tăng lên một cách đáng kể.

        Những năm gần đây số vụ việc tranh chấp được giải quyết ở các trung tâm trọng tài cũng ngày càng tăng, điển hình như ở VIAC luôn có số vụ giải quyết tranh chấp trong năm cao: Năm 2015, trung tâm tiếp nhận và giải 146 vụ, năm 2016 là 155 vụ. Năm 2017 trung tâm đã tiếp nhận và giải quyết 151 vụ tranh chấp với tổng trị giá lên đến 1.400 tỷ đồng.

3.2. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân

 * Tồn tại, hạn chế

      Bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên, thực tiễn cho thấy thời gian qua, hoạt động trọng tài thương mại đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập sau đây:

      Thứ nhất, chất lượng đội ngũ trọng tài viên tuy đã được cải thiện nhưng vẫn còn hạn chế. Một số trọng tài viên chưa được trang bị đầy đủ kiến thức thương mại quốc tế; còn hạn chế về kỹ năng nghề nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp, nhất là các vụ việc tranh chấp đầu tư quốc tế; số trọng tài viên có trình độ ngoại ngữ để có thể tham gia tranh tụng tại các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế còn rất ít.

      Thứ hai, số vụ việc được giải quyết bằng trọng tài trong những năm qua đã có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, so với nhu cầu thực tiễn, việc giải quyết các tranh chấp thương mại vẫn còn ở mức khiêm tốn. Theo thống kê, số vụ tranh chấp giải quyết bằng trọng tài tại Việt Nam mới chỉ chiếm chưa đến 1% trên tổng số vụ tranh chấp thương mại được tòa án thụ lý, xét xử hàng năm.

      Thứ ba, công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động trọng tài còn chưa được quan tâm đúng mức; việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong tổ chức, hoạt động trọng tài còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao; công tác thanh tra, kiểm tra còn chưa thực hiện thường xuyên.

       Thứ tư, hiện vẫn chưa thành lập được Hiệp hội trọng tài - tổ chức xã hội - nghề nghiệp của trọng tài viên để đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của trọng tài viên; đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kiểm tra, giám sát trọng tài viên trong việc tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

* Nguyên nhân

        Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó chủ yếu là các nguyên nhân sau đây:

        Một là, thể chế về tổ chức, hoạt động trọng tài mặc dù đã từng bước được hoàn thiện, tuy nhiên giữa quy định của pháp luật về trọng tài thương mại với quy định của một số lĩnh vực pháp luật khác vẫn chưa đồng bộ; một số nội dung còn chưa thống nhất; chưa có cơ chế hữu hiệu để giám sát việc hủy phán quyết trọng tài của cơ quan tòa án.

       Hai là, số lượng trung tâm trọng tài ở nước ta được thành lập tương đối nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, cơ sở vật chất của phần lớn các trung tâm trọng tài chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu để phục vụ cho hoạt động của các trọng tài viên; công tác quản lý, điều hành các hoạt động của một số Trung tâm còn thiếu tính chuyên nghiệp, chưa hiệu quả.

       Ba là, trọng tài thương mại là một trong những phương thức giải quyết tranh chấp thương mại mới hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Do đó, hiểu biết và nhận thức của các cá nhân, cơ quan, tổ chức, nhất là cộng đồng doanh nghiệp về phương thức giải quyết này vẫn còn chưa đầy đủ. Phần lớn doanh nghiệp của Việt Nam chưa có thói quen, niềm tin sử dụng trọng tài trong việc giải quyết tranh chấp của mình và khả năng thực thi các phán quyết của trọng tài trong thực tế.

       Bốn là, do các căn cứ pháp lý để hủy phán quyết trọng tài còn được hiểu chưa thống nhất nên tình trạng hủy phán quyết trọng tài trong thời gian qua với tỷ lệ còn cao. Bên cạnh đó, việc chậm thi hành phán quyết trọng tài; tỷ lệ đơn yêu cầu phán quyết trọng tài được thi hành trên thực tế chưa cao đã làm cho hoạt động trọng tài kém hấp dẫn.

        Năm là, một số cơ quan quản lý nhà nước về trọng tài chưa phát huy hết trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước tại địa phương; công tác kiểm tra, thanh tra tổ chức, hoạt động của các trung tâm trọng tài đôi khi còn buông lỏng. Cơ chế phối hợp trong việc quản lý tổ chức, hoạt động trọng tài tại địa phương còn chưa được chặt chẽ. Đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về lĩnh vực trọng tài thương mại còn mỏng, chưa được đào tạo bồi dưỡng thường xuyên về kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực này.

4. Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của trọng tài thương mại

        Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Trọng tài thương mại năm 2010 và vai trò, lợi ích của việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài cho cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là cộng đồng doanh nghiệp. Cần lựa chọn hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với từng đối tượng; duy trì và phát triển các trang mạng để giới doanh nghiệp và người dân dễ dàng tiếp cận, chia sẻ thông tin về lĩnh vực này.

        Thứ hai, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển thị trường dịch vụ trọng tài, kết hợp vai trò giải quyết tranh chấp bằng trọng tài với phương thức giải quyết thông qua hòa giải thương mại của tổ chức trọng tài thương mại. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ trọng tài. Nhà nước cần nghiên cứu, lựa chọn một hoặc một số trung tâm trọng tài để có chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho trọng tài viên, thu hút các vụ việc giải quyết tranh chấp tại trung tâm.

       Thứ ba, triển khai có hiệu quả Luật Trọng tài thương mại năm 2010 gắn với việc thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chiến lược hội nhập kinh tế quốc tế và những chủ trương, chính sách, định hướng quan trọng của Đảng về cải cách hành chính, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, từng bước đưa hoạt động trọng tài của Việt Nam tiệm cận với thông lệ trọng tài thương mại quốc tế; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc về thể chế trọng tài và việc triển khai thi hành Luật Trọng tài thương mại để kịp thời tháo gỡ, đề xuất sửa đổi, bổ sung thể chế.

       Thứ tư, nâng cao năng lực, chất lượng bồi dưỡng về kiến thức pháp luật, tính chuyên nghiệp, kỹ năng giải quyết tranh chấp, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ trọng tài viên, đặc biệt là trong các lĩnh vực như: đầu tư, thương mại quốc tế... Các trung tâm trọng tài cần có chính sách thu hút đội ngũ trọng tài viên quốc tế, các chuyên gia, luật sư trong nước giỏi về chuyên môn, thành thạo ngoại ngữ tham gia giải quyết tranh chấp trọng tài; nghiên cứu, cho phép công bố một phần hoặc đầy đủ phán quyết trọng tài để các trọng tài viên nghiên cứu, vận dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, các trung tâm trọng tài cần tranh thủ các nguồn lực trong nước và quốc tế theo hướng xã hội hoá để tăng cường năng lực cho trọng tài viên.

     Thứ năm, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trọng tài thương mại. Kiện toàn, nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức tư pháp có nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về trọng tài thương mại; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý tổ chức và hoạt động trọng tài thương mại; bố trí kinh phí, cơ sở vật chất phù hợp cho công tác này. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về trọng tài; vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của các trọng tài viên. Đẩy mạnh sự giám sát đối với việc huỷ quyết định trọng tài, công nhận và thi hành phán quyết trọng tài.

      Thứ sáu, nghiên cứu, thành lập Hiệp hội trọng tài thương mại với tư cách là tổ chức xã hội - nghề nghiệp của các trọng tài viên và trung tâm trọng tài cả nước có chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trọng tài viên. Việc thành lập Hiệp hội trọng tài sẽ nâng cao vị trí, vai trò, hiệu quả hoạt động của tổ chức trọng tài trong xã hội cũng như giải quyết các tranh chấp thương mại.

5. Kết luận

       Mặc dù phương thức giải quyết tranh chấp trong kinh doanh bằng trọng tài thương mại có nhiều ưu điểm so với các phương thức khác, cũng là một phương thức xuất hiện sớm ở Việt Nam, nhưng phương thức này vẫn chưa được đánh giá cao và chưa được các doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên lựa chọn như các nước khác trên thế giới. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề trên, một trong những nguyên nhân chính là do ý thức tự giác chấp hành pháp luật và ý thức tạo dựng uy tín của các doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao. Vì vậy, trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm trọng tài thương mại, để các doanh nghiệp sử dụng phương thức trọng tài thương mại giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh nhiều hơn thì nhà nước cần tuyên truyền và nâng cao hơn nữa ý thức của người dân về pháp luật.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thủy

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây