Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Sơ lược về chiến lược kinh doanh

Khi nói đến chiến lược, người ta hay liên hệ đến sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp. Thực ra không hoàn toàn như vậy.

        Khi nói đến chiến lược, người ta hay liên hệ đến sứ mệnh, tầm nhìn của doanh nghiệp. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Chiến lược là bản phác thảo các phương hướng hoạt động trong dài hạn, là việc tạo dựng một vị thế duy nhất và có giá trị nhờ việc triển khai một hệ thống các hoạt động khác biệt với những gì đối thủ cạnh tranh thực hiện. Sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp mặc dù luôn được đưa vào như một phần của chiến lược nhưng nó không đưa ra một định hướng rõ ràng cho hoạt động của doanh nghiệp.

        Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chiến lược kinh doanh.

1. Nguồn gốc của chiến lược kinh doanh

        Chiến lược là thuật ngữ có nguồn gốc từ quân sự. Dần dần, chiến lược được sử dụng trong những lĩnh vực khác của đời sống kinh tế xã hội. Thuật ngữ “chiến lược” là sự kết hợp của từ “chiến” nghĩa là chiến đấu, tranh giành và từ “lược” nghĩa là mưu, tính. Như vậy, theo nguyên gốc, chiến lược là những mưu tính nhằm chiến đấu và quan trọng hơn là để giành chiến thắng. Chiến lược quân sự là nghệ thuật chỉ huy ở vị trí ưu thế hay là nghệ thuật chỉ huy các phương tiện để giành chiến thắng.

      Từ thập kỷ 60, chiến lược được ứng dụng vào lĩnh vực kinh doanh và thuật ngữ “chiến lược kinh doanh” ra đời. Năm 1960, Igor Ansoff đã cho xuất bản các công trình nghiên cứu của mình về chiến lược kinh doanh. Những năm 1970 vấn đề chiến lược kinh doanh đã được phát triển mạnh mẽ bởi các nghiên cứu của nhóm tư vấn Boston BCG, nhóm GE. Từ năm 1980, các công trình của Michael Porter về chiến lược kinh doanh đã thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp. Từ năm 1990 đến nay, quản trị chiến lược đã trở nên phổ biến trong kinh doanh hiện đại. Quan niệm chiến lược kinh doanh phát triển dần theo thời gian và người ta tiếp cận nó theo nhiều cách khác nhau.
2.
 Quan điểm về chiến lược kinh doanh

2.1. Quan điểm 1: Chiến lược kinh doanh là kế hoạch đặc biệt
        - G. Arlleret: “Chiến lược là việc xác định những con đường và những phương tiện để đạt tới các mục tiêu đã được xác định thông qua các chính sách”.
        - D. Bizrell và nhóm tác giả: “Chiến lược là kế hoạch tổng quát dẫn dắt hoặc hướng dẫn doanh nghiệp đi đến mục tiêu mong muốn. Nó là cơ sở cho việc định ra các chính sách và các thủ pháp tác nghiệp”.
        - Gluecl: “Chiến lược là một loại kế hoạch mang tính thống nhất, toàn diện và tổng hợp được thiết kế để đảm bảo rằng các mục tiêu của doanh nghiệp sẽ được thực hiện”.
         Nhìn chung, các quan niệm này đều coi chiến lược kinh doanh là một tập hợp các kế hoạch chiến lược làm nền tảng hướng dẫn các hoạt động của doanh nghiệp để đạt được mục tiêu dài hạn đã định. Chiến lược là một hệ thống gồm các mục tiêu, quan điểm, chính sách, giải pháp được đưa ra nhằm tận dụng tốt nhất các nguồn lực, lợi thế của doanh nghiệp để đạt được các mục tiêu đề ra từ trước trong một khoảng thời gian nhất định.
2.2. Quan điểm 2: Chiến lược kinh doanh là nghệ thuật
         - Alain Threlart: “Chiến lược là nghệ thuật mà doanh nghiệp dùng để chống lại cạnh tranh và giành thắng lợi”.
          - M. Porter: “Chiến lược là nghệ thuật xây dựng các lợi thế cạnh tranh vững chắc để phòng thủ”.
          Như vậy, các tác giả này coi chiến lược kinh doanh là nghệ thuật để cạnh tranh trên thị trường và phát triển doanh nghiệp.
2.3. Quan điểm 3: Chiến lược kinh doanh vừa là kế hoạch, vừa là nghệ thuật
          Quan điểm phổ biến hiện nay là: “Chiến lược kinh doanh là nghệ thuật phối hợp các hoạt động và điều khiển chúng nhằm đạt tới mục tiêu dài hạn của doanh nghiệp”.
           Như vậy, coi chiến lược kinh doanh là một quá trình quản trị đã tiến tới quản trị doanh nghiệp bằng tư duy chiến lược với quan điểm: Chiến lược hay là chưa đủ, mà phải có khả năng tổ chức thực hiện tốt mới đảm bảo cho doanh nghiệp thành công (Quản trị doanh nghiệp mang tầm chiến lược).
3. Những đặc trưng cơ bản của chiến lược kinh doanh
          Chiến lược kinh doanh mang tính định hướng. Chiến lược kinh doanh xác định rõ những mục tiêu cơ bản, phương hướng kinh doanh cần đạt tới trong đúng thời kỳ và được quán triệt đầy đủ trong các lĩnh vực hoạt động quản trị của doanh nghiệp. Tính định hướng của chiến lược nhằm đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển liên tục và vững chắc trong môi trường kinh doanh thường xuyên biến động.
          Xác định những mục tiêu, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động cơ bản của doanh nghiệp trong từng thời kỳ làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh chỉ phác thảo những phương hướng hoạt động của doanh nghiệp trong dài hạn, khung hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Nó chỉ mang tính định hướng, còn trong thực tiễn hoạt động kinh doanh đòi hỏi phải kết hợp mục tiêu chiến lược với mục tiêu kinh tế, xem xét tính hợp lý và điều chỉnh cho phù hợp với môi trường và điều kiện kinh doanh để dảm bảo hiệu quả kinh doanh và khắc phục sai lệch do tính định hướng của chiến lược gây ra.
         Chiến lược kinh doanh được xây dựng trên cơ sở các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp nhằm đảm bảo huy động tối đa và kết hợp tốt với việc khai thác và sử dụng các nguồn lực, năng lực cốt lõi của doanh nghiệp trong hiện tại và tương lai nhằm phát huy những lợi thế, nắm bắt cơ hội để giành ưu thế trong cạnh tranh.
         Chiến lược kinh doanh được phản ánh trong cả một quá trình liên tục từ xây dựng đến tổ chức thực hiện, đánh giá, kiểm tra và điều chỉnh chiến lược.
         Chiến lược kinh doanh luôn mang tư tưởng tiến công giành lợi thế trong cạnh tranh. Chiến lược kinh doanh được hình thành và thực hiện trên cơ sở phát hiện và tận dụng các cơ hội kinh doanh, các lợi thế so sánh của doanh nghiệp nhằm đạt hiệu quả kinh doanh cao.
Mọi quyết định chiến lược quan trọng trong quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện, đánh giá và điều chỉnh chiến lược đều được tập trung vào nhóm quản trị viên cấp cao, để đảm bảo tính chuẩn xác của các quyết định dài hạn và sự bí mật thông tin trong cạnh tranh.
4. Vai trò của chiến lược kinh doanh
        Chiến lược kinh doanh giúp doanh nghiệp nhận rõ được mục đích hướng đi của mình trong tương lai làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của doanh nghiệp.
        Chiến lược kinh doanh giúp cho doanh nghiệp nắm bắt và tận dụng các cơ hội kinh doanh, đồng thời có biện pháp chủ động đối phó với những nguy cơ và mối đe doạ trên thương trường kinh doanh.
       Chiến lược kinh doanh góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực, tăng cường vị thế của doanh nghiệp đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển liên tục và bền vững.
         Chiến lược kinh doanh tạo ra các căn cứ vững chắc cho doanh nghiệp đề ra cách quyết định phù hợp với sự biến động của thị trường.
5. Yêu cầu của chiến lược kinh doanh
       - Một chiến lược kinh doanh phải đảm bảo tăng thế lực của doanh nghiệp và giành được lợi thế cạnh tranh. Muốn vậy khi xây dựng chiến lược, doanh nghiệp phải triệt để khai thác lợi thế so sánh cuả mình.
      - Chiến lược kinh doanh phải dảm bảo sự an toàn kinh doanh cho doanh nghiệp. Chiến lược kinh doanh phải xác định được vùng an toàn, phạm vi kinh doanh và xác định được độ rủi ro cho phép. Để đáp ứng được yêu cầu này doanh nghiệp phải tiến hành nghiên cứu và dự đoán môi trường kinh doanh trong tương lai. Dự đoán càng chính xác, khả năng an toàn của doanh nghiệp càng cao. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải có một khối lượng thông tin và tri thức nhất định.
        - Chiến lược kinh doanh phải xác định rõ mục tiêu và những điều kiện cơ bản để thực hiện mục tiêu.
       - Phải xây dựng được chiến lược dự phòng, chiến lược thay thế. Do môi trường luôn luôn biến đổi, còn chiến lược lại là quyết định của tương lai, thực tế ở tương lai có thể khác với dự đoán của chiến lược.
      - Phải biết kết hợp giữa thời cơ và sự chín muồi. Có nghĩa là một chiến lược kinh doanh được xây dựng và triển khai đúng với thời cơ. Một chiến lược dù hoàn hảo đến đâu mà được đề ra khi thời cơ đã qua đi thì cũng vô nghĩa.
6. Các cấp độ của chiến lược kinh doanh
      Trong bất kỳ tổ chức nào, các chiến lược đều tồn tại ở vài cấp độ khác nhau - trải dài từ toàn bộ doanh nghiệp (hoặc một nhóm doanh nghiệp) cho tới từng nhân viên làm việc trong đó.
       Chiến lược cấp doanh nghiệp – liên quan đến toàn bộ mục tiêu và quy mô tổng thể của doanh nghiệp để đáp ứng được những kỳ vọng của các cổ đông. Đây là một cấp độ quan trọng bởi nó chịu ảnh hưởng lớn từ các nhà đầu tư trong doanh nghiệp và đồng thời nó cũng đóng vai trò trong việc định hướng quá trình ra quyết định chiến lược có tầm ảnh hưởng lên toàn bộ doanh nghiệp. Chiến lược thường được trình bày rõ ràng trong “tuyên ngôn về sứ mệnh” của doanh nghiệp đó.
       Chiến lược kinh doanh - liên quan nhiều hơn tới việc làm thế nào một doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công trên một thị trường xác định. Nó liên quan đến các quyết định chiến lược về việc lựa chọn sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, giành lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ, khai thác và tạo ra được các cơ hội mới.
      Chiến lược theo chức năng - liên quan tới việc từng bộ phận trong doanh nghiệp sẽ được tổ chức như thế nào để thực hiện được phương hướng chiến lược ở cấp độ doanh nghiệp và đơn vị kinh doanh. Bởi vậy, chiến lược theo chức năng tập trung vào các vận đề về nguồn lực, quá trình xử lý và con người,…

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây