Khoa Kinh tế, trường Đại học Sao Đỏ

http://kinhte.saodo.edu.vn


Hình thức C2C trong thương mại điện tử tại Việt Nam

1. Khái niệm thương mại điện tử

Tổ chức Thương mại thế giới WTO định nghĩa: “TMĐT bao gồm việc sản xuất, quảng cáo, bán hàng và phân phối sản phẩm được mua bán và thanh toán trên mạng Internet, nhưng được giao nhận một cách hữu hình cả các sản phẩm được giao nhận cũng như những thông tin số hóa thông qua mạng Internet”.

m1

Một định nghĩa mang tính tổng quát về thương mại điện tử như sau: “Thương mại điện tử là việc tiến hành các giao dịch thương mại thông qua mạng Internet, các mạng truyền thông và các phương tiện điện tử khác”

2. Đặc điểm của thương mại điện tử

Thương mại điện tử có một số đặc điểm sau:

Thứ nhất, TMĐT là một phương thức thương mại sử dụng các PTĐT để tiến hành các giao dịch thương mại.

Thứ hai, TMĐT có liên quan mật thiết đến TMTT và phụ thuộc sự phát triển mạng máy tính và Internet.

Thứ ba, TMĐT được nghiên cứu gồm bốn nhóm hoạt động chủ yếu là mua, bán, chuyển giao và trao đổi các đối tượng sản phẩm, dịch vụ và thông tin. Ngoài ra, nó còn bao gồm các hoạt động hỗ trợ các hoạt động trên như: Marketing, quảng cáo, xúc tiến trên mạng, thanh toán điện tử, an toàn mạng giao dịch, đấu giá, dịch vụ hỗ trợ CNTT,... hỗ trợ việc chào bán, cung cấp các dịch vụ khách hàng hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thông tin, liên lạc giữa các đối tác kinh doanh.

Thứ tư, “Thương mại điện tử” là thuật ngữ mang tính lịch sử.

3. Phân loại thương mại điện tử

Cách phân loại chung nhất của TMĐT là theo bản chất của giao dịch hoặc mối quan hệ giữa các bên tham gia. Người ta phân biệt các loại hình TMĐT cơ bản như sau:

  • TMĐT giữa các doanh nghiệp (B2B)
  • Thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C)
  • Thương mại điện tử doanh nghiệp - doanh nghiệp - người tiêu dùng (B2B2C)
  • Người tiêu dùng - doanh nghiệp (C2B)
  • Người tiêu dùng - người tiêu dùng (C2C)
  • Các ứng dụng ngang hàng (P2P)
  • Thương mại di động (Mobile Commerce)
  • TMĐT nội bộ doanh nghiệp
  • Doanh nghiệp - nhân viên (B2E)
  • Thương mại hợp tác
  • TMĐT phi kinh doanh

4. Tình hình sử dụng Internet tại Việt Nam

a/ Thống kê số liệu Việt Nam

m2

(Nguồn: We are Social)

Hình 2.1: Tình hình sử dụng internet tại Việt Nam năm 2017

Việt Nam có dân số khoảng 94,93 triệu người, trong đó:

– Số người sử dụng Internet: khoảng 50 triệu người, tương đương với 53% dân số.

– Số tài khoản mạng xã hội: khoảng 46 triệu người, tương đương với 48% dân số.

– Số thuê bao điện thoại: khoảng 124,7 triệu thuê bao, tương đương với 131% số thuê bao trên dân số.

– Số người sử dụng mạng xã hội trên điện thoại: khoảng 41 triệu người, tương đương với 43% dân số.

Qua số liệu thống kê của We are Social, có thể thấy tốc độ phát triển của Internet của Việt Nam tăng trưởng nhanh. Trong đó, số người sử dụng mạng xã hội rất lớn. Điều này rất thuận lợi cho sự phát triển thương mại điện tử.

b/ Đánh giá về mức độ tăng trưởng trung bình

Theo We are Social, số người sử dụng Internet đã tăng thêm 3 triệu người (tăng 6%) so với năm 2016. Số tài khoản mạng xã hội tăng 11 triệu người (tăng 31%). Số người sử dụng mạng xã hội trên điện thoại tăng mạnh với con số rất ấn tượng là 12 triệu người (tăng 41%) cao hơn so với mức tăng 30% của thế giới.

Có một điều không bất ngờ là số thuê bao kết nối mạng di động đã giảm mạnh hơn 18 triệu thuê bao (giảm 13%) so với năm 2016 do Bộ Thông tin và truyền thông đã yêu cầu các nhà mạng thu hồi gần hàng triệu SIM và không được kích hoạt lại để ngăn chặn tin nhắn rác.

m3

(Nguồn: We are Social)

Hình 2.2: Đánh giá mức độ tăng trưởng trung bình tại Việt Nam năm 2017

c/ Thời gian sử dụng internet trung bình một ngày

Theo We are Social, thời gian sử dụng internet bằng máy tính hoặc máy tính bảng là  6 giờ 53 phút, con số này với điện thoại là 2 giờ 33 phút, thời gian sử dụng mạng xã hội trung bình (bất kể qua hình thức nào) là 2 giờ 39 phút, và thời gian xem ti vi trung bình của những người sử dụng internet chỉ là 1 giờ 26 phút.

m4

(Nguồn: We are Social)

Hình 2.3: Thời gian sử dụng internet trung bình một ngày

5. Mô hình C2C tại Việt Nam

5.1. Sàn giao dịch thương mại điện tử

m5

Các sàn giao dịch C2C là các website này chỉ dừng ở việc rao vặt, tức đăng tin bán sản phẩm của người bán và không cung cấp các dịch vụ khác như giao nhận, thanh toán đảm bảo…

Về phương thức hoạt động, các tin về sản phẩm sẽ được đăng ở các trang web C2C và chia ra theo chuyên mục như thời trang, đồ điện tử…Theo đó, nguồn thu của các trang web này sẽ đến từ việc thu phí đăng ký thành viên, đăng tin rao vặt và bán banner quảng cáo cho chủ cửa hàng là thành viên của trang web hoặc các doanh nghiệp dù chưa là thành viên nhưng có nhu cầu quảng cáo.

Ngoài việc bán quảng cáo, đa phần các trang C2C trong nước hiện nay đều không thu các loại phí như đăng ký thành viên, tạo chuyên mục…của khách hàng. Tuy nhiên, “không có bữa ăn trưa nào miễn phí” với tốc độ vài trăm tin đăng rao vặt/ngày trên mỗi chuyên mục, tin rao vặt của khách hàng sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng. Để tin luôn nằm trong khả năng người mua có thể tìm ra, các trang C2C đưa ra hình thức nhắn tin nạp tiền từ điện thoại để “đẩy” tin lên đầu. Đây là nguồn thu chủ yếu sau việc bán quảng cáo của các trang C2C hiện nay.

Tại Việt Nam, Sàn giao dịch nổi bật đó là: Lazada, Vatgia, Sendo, Shopee, adayroi,...

m6

5.2. Mạng xã hội

a/Facebook

m7

Một thực tế cho thấy rằng 90% người Việt Nam dùng facebook và check facebook hàng ngày. Thậm chí trong số đó, họ dùng facebook đến 17/24h để làm việc, để chat cùng bạn bè, post hình, status…

2,5 giờ là thời gian trung bình một người dùng Facebook Việt Nam dành ra mỗi ngày để lang thang trên mạng xã hội, gấp đôi số thời gian được dành ra mỗi ngày để xem TV. Facebook cho biết những con số này cao hơn 13% so với mức độ sử dụng Facebook trung bình của thế giới.

Tập người dùng Facebook tại Việt Nam có độ tuổi khá trẻ. Facebook cho biết hai hoạt động phổ biến nhất trên Facebook của người dùng Việt là trò chuyện với bạn bè và truy cập Facebook của các thương hiệu.

Facebook đang là nơi nhiều người dùng Việt chọn làm địa điểm mua sắm online. Theo đó, có tới 2/5 người dùng Facebook tại Việt Nam từng tìm thấy các sản phẩm / thương hiệu mới qua Facebook.  Thời trang và làm đẹp, ăn uống và ưu đãi du lịch là ba loại hình sản phẩm / thương hiệu được khám phá nhiều nhất.

b/ Zalo

m8

Với sự phát triển của mạng xã hội, ứng dụng điện thoại đang ngày càng nở rộ thì việc bán hàng trên zalo đã là xu hướng hiện nay. Zalo là một cách tiếp thị sản phẩm cực kỳ hiệu quả mà có thể đã vô tình bỏ qua. Không chỉ có Facebook, hiện nay rất nhiều shop sử dụng Zalo làm kênh bán hàng chính của mình.

Zalo chính thức có 45 triệu thành viên. Với cột mốc này, Zalo tiếp tục giữ đà tăng trưởng ổn định ở mức 10 triệu người dùng trong 6 tháng.

m9

Nhờ số lượng người dùng cao như vậy mà tỷ lệ tương tác trên Zalo page cũng rất cao. Do đó, các cá nhân tham gia bán hàng trên Zalo sẽ có được sự tương tác cao. Chính vì vậy các sản phẩm dành cho phụ nữ như mỹ phẩm, quần áo … đang được bán rất tốt trên Zalo, hiện tại các sản phẩm của nam giới chưa được các cửa hàng bán nhiều trên zalo.

Để bán được hàng trên Zalo bạn cần có một tài khoản Zalo. Có 2 hình thức để bạn lựa chọn:

+ Bán hàng qua một tài khoản Zalo cá nhân

+ Bán hàng qua zalopage

6. Một số trở ngại của mô hình C2C tại Việt Nam

6.1. Trở ngại từ khách hàng

Có thể nói mô hình C2C trong thương mại điện tử đã thay đổi rõ rệt trong thời gian qua tuy nhiên mặt hạn chế của mô hình này là thiếu niềm tin của người tiêu dùng thì vẫn không thay đổi.

Theo Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) cho biết có rất nhiều vụ khiếu nại mua hàng qua mạng nhưng không có địa chỉ thực như đã quảng cáo nên không thể giải quyết được.

Theo nhận định của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tình trạng lừa đảo khi mua bán qua mạng ngày càng gia tăng là trở ngại chính trong việc phát triển của thương mại điện tử hiện nay ở Việt Nam, trong khi phương thức mua bán này ngày càng trở nên phổ biến và rất hiệu quả ở nhiều nơi trên thế giới.

6.2. Trở ngại từ phía người bán, nhà cung cấp dịch vụ TMĐT

Các website TMĐT gặp khó khăn do nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu của phát triển TMĐT.

Việc khách hàng lo ngại về vấn đề an toàn khi thanh toán trực tuyến gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Chi phí cho dịch vụ vận chuyển giao nhận còn cao.

Cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp cũng gây khó khăn.

Khách hàng lo ngại về vấn đề thông tin cá nhân bị tiết lộ, mua bán.

An ninh mạng chưa đảm bảo.

Khó khăn trong việc tích hợp thanh toán điện tử gây trở ngại ít hơn.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Ngọc Mai

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây