Nâng cao chất lượng Quản trị công ty cũng được coi là chiếc chìa khóa vàng để doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh doanh bền vững. Trong quá trình hoàn thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp, khung quản trị về công ty cũng đã từng bước xây dựng, bổ sung và hoàn thiện. Cho đến nay, khung Quản trị công ty ở Việt Nam được đánh giá là phù hợp với các yêu cầu và nguyên tắc quản trị phổ biến được thừa nhận trên thế giới. Tuy nhiên, hoạt động QTCT ở Việt Nam vẫn còn nhiều điểm hạn chế và yếu kém. Khái niệm “QTCT” vẫn còn rất mới mẻ. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp còn lẫn lộn giữa QTCT với quản lý tác nghiệp. Việc thực hành quản lý theo kiểu thuận tiện và sự thiếu vắng các yếu tố của QTCT làm cho năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế.
Chất lượng quản trị công ty của các công ty Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa bắt kịp các doanh nghiệp trong khu vực và cần phải nỗ lực hơn nữa để rút ngắn khoảng cách. Để cải thiện chất lượng quản trị công ty, các doanh nghiệp có thể sử dụng một trong các công cụ hỗ trợ dưới đây:
1. Viện thành viên hội đồng quản trị
Viện thành viên HĐQT là một mô hình hỗ trợ xúc tiến thúc đẩy QTCT khá phổ biến trên thế giới, được thành lập dựa vào các hội viên nhằm hỗ trợ các thành viên HĐQT theo nhiều cách khác nhau, bao gồm cả cung cấp đào tạo và các hình thức để phát triển kinh doanh.
Viện thành viên HĐQT (Institute of Directors - IoD) đầu tiên được thành lập tại Vương quốc Anh (Anh) vào năm 1903 và được cấp một Hiến chương Hoàng gia năm 1906. Đây là một tổ chức độc lập về chính trị hỗ trợ, đại diện và thiết lập các tiêu chuẩn cho 55.000 thành viên cá nhân. Ngoài phạm vi rộng lớn của các chương trình đào tạo Giám đốc và các dịch vụ kinh doanh, Học viện đại diện cho lợi ích của các thành viên và đưa tiếng nói các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân tới Chính phủ. Các IoD hiện nay đã được thành lập trong khu vực ở các nước và vùng lãnh thổ như: Hong Kong, Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Philippines, Úc v.v…
Đặc điểm chung của một IoD thành công là:
+ Một tổ chức độc lập và bền vững
+ Là tổ chức phi lợi nhuận
+ Mang tính chất là hiệp hội dành riêng cho các thành viên HĐQT
+ Cung cấp các dịch vụ chuyên môn về QTCT như: Xuất bản ấn phẩm, tổ chức các chương trình dào tạo về quản trị công ty, nghiên cứu thực hành tốt nhất, các cuộc họp nhóm và kết nối mạng.
Cho đến nay, giới chuyên gia đều cho rằng Việt Nam cần có IoD - một tổ chức độc lập và chuyên nghiệp có chức năng đào tạo các thành viên HĐQT của các công ty. Tổ chức này cần có cơ cấu quản trị mạnh mẽ, lý tưởng nhất là nó phải độc lập với các cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên để có thể đóng góp cho sự nghiệp cải thiện quản trị công ty, IoD của Việt Nam cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chính phủ và/hoặc các bên liên quan để đảm bảo tính bền vững trong giai đoạn thiết lập ban đầu (ít nhất là ba năm đầu tiên).
2. Áp dụng chuẩn mực kế toán Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS)
Trong 10 năm gần đây, việc áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đã phát triển nhanh chóng và được áp dụng phổ biến trên toàn thế giới. Còn tại Việt Nam hiện nay, Báo cáo tài chính (BCTC) của các doanh nghiệp đang được áp dụng theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS). VAS được xây dựng dựa trên các chuẩn mực kế toán quốc tế IAS/IFRS theo nguyên tắc vận dụng có chọn lọc thông lệ quốc tế, phù hợp với đặc điểm của nền kinh tế và trình độ quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam tại thời điểm ban hành chuẩn mực. Về cơ bản, không thể phủ nhận tác dụng tích cực của VAS trong giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi về thể chế kinh tế trong nước cũng như thay đổi trong hệ thống IFRS trong giai đoạn hiện nay, VAS đã bộc lộ nhiều tồn tại, đặc biệt là những giao dịch của nền kinh tế thị trường mới phát sinh chưa được VAS giải quyết thấu đáo, như việc ghi nhận và đánh giá tài sản, nợ phải trả theo giá trị hợp lý, ghi nhận tổn thất tài sản, việc kế toán các công cụ tài chính phái sinh cho mục đích kinh doanh và phòng ngừa rủi ro chưa có hướng dẫn cụ thể.
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang trong quá trình hội nhập ngày càng sâu, rộng với khu vực và thế giới, để cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển bền vững, hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK), bảo vệ nhà đầu tư và thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Chính phủ đã yêu cầu phải nâng cao tính minh bạch của thông tin tài chính. Mặt khác, để có thể tiếp cận các dòng vốn trên thị trường quốc tế, niêm yết tại thị trường nước ngoài, yêu cầu lập BCTC theo IFRS đang trở thành nhu cầu ngày càng bức thiết và là xu hướng tất yếu của các tập đoàn, các công ty đại chúng. Việc áp dụng IFRS giúp tăng cường khả năng so sánh và tính minh bạch của hoạt động báo cáo tài chính, từ đó nâng cao tính minh bạch thông tin trong công ty, giúp nâng cao chất lượng quản trị công ty.
3. Các giải thưởng tôn vinh những doanh nghiệp thực hiện tốt quản trị công ty
Trong bối cảnh hội nhập của cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), các nước trong khu vực ASEAN đã có nhiều nỗ lực nhằm rút ngắn khoảng cách về môi trường đầu tư và thương mại. Quản trị công ty là một trong các lĩnh vực được quan tâm nhằm nâng cao năng lực thu hút đầu tư của các doanh nghiệp khu vực ASEAN. Dự án Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN của Diễn đàn thị trường Tài chính khu vực ASEAN (ACMF) đánh giá quản trị công ty của các doanh nghiệp thuộc khối ASEAN, từ đó trao giải thưởng “Quản trị công ty tốt nhất khu vực ASEAN và các quốc gia” cho các doanh nghiệp có thẻ điểm tốt nhất. Qua 5 năm đánh giá (2012-2016), các kết quả xếp hạng trong từng quốc gia đã được công bố trong các báo cáo của khu vực về quản trị công ty. Đây là cơ hội rất tốt để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp ra cộng đồng nhà đầu tư quốc tế, giúp doanh nghiệp được các tổ chức đầu tư biết đến nhiều hơn. Tại Việt Nam, đã có nhiều hội nghị, hội thảo về chương trình này nhằm công bố kết quả đánh giá và truyền thông đến doanh nghiệp về các lợi ích của việc nâng cao quản trị công ty nói chung và nâng cao năng lực cạnh tranh vốn của công ty niêm yết Việt Nam trong khu vực ASEAN nói riêng. Với những ý nghĩa quan trọng, các công ty niêm yết cần tận dụng cơ hội của chương trình Thẻ điểm quản trị công ty khu vực ASEAN, thông qua việc tích cực, chủ động công bố các tài liệu cổ đông bằng tiếng Anh trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên trang thông tin điện tử của công ty nhằm cải thiện mức độ minh bạch, hướng đến các chuẩn mực quốc tế được thị trường nhà đầu tư kỳ vọng. Giải thưởng được kỳ vọng sẽ nâng cao các chuẩn mực về quản trị công ty của các doanh nghiệp niêm yết trong khu vực ASEAN và giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về các doanh nghiệp này
4. Gói giải pháp quản trị công ty của các công ty chứng khoán, kiểm toán
Hiện nay, nhiều công ty chứng khoán và công ty kiểm toán đã xây dựng gói giải pháp quản trị công ty nhằm mục tiêu tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu chưa niêm yết, hỗ trợ doanh nghiệp công bố thông tin kịp thời minh bạch tới đúng đối tượng; quản lý và kiểm soát được cơ cấu cổ đông; tư vấn và tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành công và hiệu quả. Cụ thể, đó là các gói giải pháp quản trị công ty kết hợp giữa tư vấn và tiện ích công nghệ, bao gồm: Tư vấn quan hệ nhà đầu tư và giải pháp; tư vấn tổ chức Đại hội đồng cổ đông và giải pháp; tư vấn quản lý cổ đông, xây dựng cơ cấu cổ đông mục tiêu và giải pháp. Để giảm thiểu những rủi ro tiềm ẩn xuất phát từ nguyên nhân quản trị yếu kém, các doanh nghiệp có thể lựa chọn sử dụng gói giải pháp QTCT này.
5. Nâng cao vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp
Hiện nay, các khóa đào tạo, các hội thảo về chủ đề quản trị công ty chưa được các hiệp hội doanh nghiệp chú trọng tổ chức. Các hiệp hội doanh nghiệp cần tích cực tổ chức các hội thảo về vấn đề này, có thể thảo luận sâu về trách nhiệm và nhiệm vụ của thành viên HĐQT. Thông qua hội thảo, các doanh nghiệp có thể chia sẻ kinh nghiệm và thông tin từ các diễn giả trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp cải thiện chất lượng quản trị công ty tại doanh nghiệp. Các hội thảo như vậy cần được nhân rộng để nâng cao nhận thức về quản trị công ty của doanh nghiệp.
Ngoài ra, các hiệp hội doanh nghiệp cần tăng cường tổ chức các hội thảo, các khóa đào tạo liên quan đến vấn đề quản trị công ty như sau:
- Cách thức soạn thảo các văn bản liên quan đến quản trị công ty: Điều lệ công ty, Quy chế quản trị nội bộ, Bộ quy tắc ứng xử.
- Minh bạch thông tin
- Trách nhiệm, nhiệm vụ và thù lao đối với Hội đồng quản trị
- Hiệu quả hoạt động của Ban kiểm soát
- Tính độc lập của Kiểm toán độc lập
- Tính độc lập của thành viên Hội đồng quản trị
Có thể thấy có rất nhiều các các công cụ khác nhau để thúc đẩy nâng cao hiệu quả và chất lượng quản trị công ty ở các doanh nghiệp. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp Việt Nam vươn tới chuẩn mực toàn cầu.
Tài liệu tham khảo:
Tác giả bài viết: Trần Thị Hằng.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn