Seminar: Những bất cập trong hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng

Chủ nhật - 10/09/2017 23:17

       Hiện nay việc sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng phổ biến. Phương tiện để thực hiện phương thức này theo Nghị định 64/CP của chính phủ và quyết định 226/2002/QĐ-NHNN của thống đốc NHNN thì có 5 hình thức thanh toán được áp dụng trong thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ trong đó có hình thức thanh toán bằng thẻ Ngân hàng; Bên cạnh những lợi ích mà phương thức thanh toán qua thẻ Ngân hàng mang lại cũng còn nhiều bất cập trong hoạt động này ảnh hưởng đến cả đơn vị phát hành và người sử dụng thẻ.

        Xuất phát từ mục đích tìm hiểu phương thức thanh toán qua thẻ ngân hàng đồng thời cập nhật kiến thức thực tế cho giảng viên và sinh viên khối ngành Kinh tế. Ngày 07/09/2017 Bộ môn Tài chính - Kế toán đã tổ chức Seminar với chủ đề “Những bất cập trong hoạt động thanh toán thẻ ngân hàng”

Nội dung buổi hội thảo giải quyết những vấn đề sau:

  1. Giới thiệu các loại thẻ ngân hàng
  2. Phân loại thẻ ngân hàng
  3. Những bất cập trong thanh toán thẻ ngân hàng
  4. Đề xuất một số giải pháp khắc phục.

I. Thẻ ngân hàng và các loại thẻ ngân hàng

  1. Khái niệm Thẻ ngân hàng: Là phương tiện do tổ chức phát hành thẻ phát hành để thực hiện giao dịch thẻ theo các điều kiện và điều khoản được các bên thoả thuận.
  2. Phân loại thẻ ngân hàng

       - Theo phạm vi lãnh thổ sử dụng, thẻ bao gồm: thẻ nội địa và thẻ quốc tế. 

      + Thẻ nội địa:  được sử dụng để rút tiền mặt hoặc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ khác trong nước.

      + Thẻ quốc tế:  được sử dụng để rút tiền mặt hoặc thanh toán tiền hàng hoá, dịch vụ và sử dụng các dịch vụ ở cả trong nước và ở nước ngoài.

       - Theo nguồn tài chính đảm bảo cho việc sử dụng thẻ, thẻ bao gồm: thẻ ghi nợ, thẻ tín dụng, thẻ trả trước.

      + Thẻ ghi nợ (debit card): là loại thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi số tiền trên tài khoản tiền gửi thanh toán của chủ thẻ mở tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được phép nhận tiền gửi không kỳ hạn.

       + Thẻ tín dụng (credit card): là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch trong phạm vi hạn mức đã được cấp theo thoả thuận với tổ chức phát hành. Với thẻ tín dụng, ngân hàng sẽ cấp cho bạn 1 hạn mức (số tiền tối đa bạn được chi tiêu). Về bản chất bạn sẽ chi tiêu tiền của ngân hàng trước và sẽ trả khoản tiền đó cho ngân hàng sau.

       + Thẻ trả trước (Prepaid card): là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi giá trị tiền được nạp vào thẻ tương ứng với số tiền mà chủ thẻ đã trả trước cho ngân hàng. Thẻ trả trước có thể được chia làm thẻ vô danh và thẻ định danh:

       + Thẻ vô danh: không gắn liền với tên của bất kỳ người nào, không xác định ai là chủ thẻ và có thể chuyển nhượng, tặng cho bất kỳ người nào.

       + Thẻ định danh: gắn liền với tên người phát hành thẻ.

       - Theo công nghệ sản xuất thẻ, thẻ bao gồm thẻ từ và thẻ chip:

      + Thẻ từ (Magnetic Stripe Card): được sản xuất dựa trên kỹ thuật thư tín với 2 băng từ chứa thông tin ở mặt sau của thẻ.

      + Thẻ Chip (Chip Card): Là một tên gọi khác của thẻ thông minh. Nó là thẻ nhựa gắn với một “chip” điện tử có cấu trúc như một máy tính hoàn hảo, do đó ghi được nhiều thông tin hơn và an toàn hơn.

  • Thị trường thẻ tại Việt Nam

        Theo Hiệp hội Thẻ ngân hàng Việt Nam (VBCA), tính đến 31-12-2015, toàn thị trường có 40/51 ngân hàng phát hành thẻ nội địa, với số lượng thẻ đạt hơn 81,85 triệu thẻ, trong đó chủ yếu là thẻ ghi nợ.

        + Đối với thẻ trả trước nội địa, có 14/51 ngân hàng phát hành loại thẻ này với tổng số thẻ phát hành đạt hơn 2 triệu thẻ. Thẻ tín dụng nội địa có 8/51 ngân hàng phát hành với hơn 256.000 thẻ trên toàn thị trường.

        + Về thẻ quốc tế, có 40/51 ngân hàng phát hành với tổng số thẻ quốc tế tích lũy toàn thị trường đến cuối 2015 đạt trên 9,24 triệu thẻ, tăng 16,23% so với năm 2014, trong đó nhóm ngân hàng nước ngoài phát hành hơn 645.000 thẻ.

       - Cùng với sự gia tăng số lượng thẻ là doanh số sử dụng và doanh số thanh toán thẻ cũng tăng trưởng không ngừng. Nếu năm 2011, doanh số sử dụng đạt hơn 724.000 tỷ đồng và doanh số thanh toán hơn 895.000 tỷ đồng thì đến năm 2015, các con số này lần lượt là hơn 1.637.000 tỷ đồng và hơn 1.685.000 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt là 126% và 88%.

        - Mặc dù số lượng thẻ đã tăng khoảng trên 30 lần từ năm 2010 đến 2015, tuy nhiên, số lượng thẻ hoạt động thực tế chỉ vào khoảng gần 70 triệu thẻ. Trong khi, hiện chỉ có khoảng trên 20 triệu người có tài khoản ngân hàng (chỉ chiếm khoảng trên 20% dân số Việt Nam), như vậy, mỗi một tài khoản cá nhân có tới 4-5 thẻ.

152420 the tin dung

II. Những bất cập trong thanh toán thẻ ngân hàng

  1. Về phía khách hàng

         * Thẻ tín dụng:

        - Do thẻ tín dụng có giới hạn thanh toán nhất định nên khách hàng không thể rút tiền mặt hoặc mua sắm hàng hoá dịch vụ vượt quá giới hạn thanh toán của thẻ.

       - Thẻ tín dụng không khuyến khích rút tiền mặt nên nếu rút tiền mặt tại các máy ATM khách hàng sẽ chịu một khoản phí khá đắt đỏ.

      - Sử dụng thẻ tín dụng bị giới hạn hơn sử dụng tiền mặt do thẻ tín dụng chỉ được sử dụng tại các đơn vị chấp nhận thẻ.

      - Trong khi mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay đang có xu hướng giảm dần thì lãi suất cho vay qua thẻ vẫn được áp dụng ở mức rất cao, dao động trong khoảng từ 1,25% - 2,65%/tháng tùy thuộc vào từng ngân hàng, cộng thêm các khoản phí phải trả như phí thường niên, phí in bản sao kê, phí chậm thanh toán, phí rút tiền mặt tại ATM, phí chuyển đổi ngoại tệ… có thể dễ thấy được chi phí sử dụng thẻ tín dụng của chủ thẻ là rất lớn.

* Thẻ thanh toán quốc tế:

       - Việc thu phí chuyển đổi ngoại tệ của các ngân hàng khá cao. Gần như tất cả các ngân hàng đều thu phí chuyển đổi ngoại tệ (Khi dùng thẻ thanh toán hàng hóa/dịch vụ bằng ngoại tệ sẽ bị thu phí chuyển đổi từ VND sang ngoại tệ).

        - Việc đảm bảo an toàn về thông tin, nhất là đối với các khách hàng sử dụng thẻ tín dụng. Việc sử dụng thẻ để thanh toán trên internet cũng dễ bị hacker lấy cắp mã PIN và tài khoản nếu người dùng bất cẩn sử dụng tại các máy tính công cộng hoặc bị gài phần mềm gián điệp tại máy tính mình mà không biết.

        - Việc chứng minh thu nhập để mở thẻ credit (có sao kê bảng lương, chứng minh thu nhập khác, hóa đơn điện nước, hộ khẩu..v..v) là một phiền phức giấy tờ thủ tục với nhiều người . Thông thường, hạn mức đối với thẻ tín dụng gấp đôi thu nhập hàng tháng của khách hàng (đối với khách hàng không có thế chấp).

        - Khách hàng phải trả phí thường niên quản lý thẻ.

* Thẻ ghi nợ:

       - Khách hàng chỉ có thể tiếp cận tài khoản của mình thông qua các máy rút tiền tự động. Vì vậy mà trong các trường hợp máy ATM hư hỏng, hết tiền hay không đặt tại địa điểm thuận lợi thì rất khó để khách hàng có thể rút được tiền ngay lập tức.

        - Độ bảo mật của thẻ ATM là chưa được an toàn. Hiện nay, phần lớn các thẻ ATM được các ngân hàng thiết kế là thẻ từ. Thẻ từ được đánh giá là thẻ có độ bảo mật không tốt. Với loại thẻ này, chỉ cần một bảng mạch điện tử hai đầu đọc băng từ, tội phạm có thể làm ra những chiếc thẻ tương tự.

          - Việc sử dụng thẻ ATM để thanh toán khi mua hàng hoá, dịch vụ còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân là do thói quen dùng tiền mặt và các điểm chấp nhận thanh toán qua thẻ rất ít (chủ yếu là các siêu thị hoặc ở các thành phố lớn mới có). Bên cạnh đó, thói quen sử dụng thẻ khi thanh toán của người dân chưa phổ biến.

        - Tình trạng làm giả thẻ: tội phạm in thẻ giả và sử dụng số PIN đánh cắp từ khách hàng đã để rút tiền tại các máy rút tiền tự động. Các thẻ này tuy là các thẻ giả xong lại mang các thông tin và số PIN của thẻ thật.

         - Trộm thẻ ATM khi rút tiền, lợi dụng sơ hở của chủ thẻ và ăn cắp thẻ bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi.

  1. Về phía ngân hàng:

         - Ngân hàng muốn thu hút được lợi nhuận thì phải phát hành được một số lượng thẻ đáng kể. Trong khi đó ngân hàng phát hành phải bỏ nhiều chi phí để sử dụng công nghệ thông tin, trang bị hệ thống ATM, thiết lập mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ và ngân hàng đại lý thanh toán thẻ.

       - Việc phát triển thẻ tín dụng những năm vừa qua chủ yếu thiên về số lượng chưa đi kèm với sự thay đổi căn bản về chất lượng cũng như tăng cường giao dịch của chủ thẻ sau khi thẻ được phát hành. Hiện tại, tỷ lệ thẻ hoạt động của các ngân hàng chỉ rơi vào khoảng từ 60 - 70%, tùy từng ngân hàng và từng loại thẻ. Đây là một sự lãng phí rất lớn đối với các tổ chức phát hành. Mặt khác, việc phát hành “ồ ạt” thẻ tín dụng của các ngân hàng trong thời gian vừa qua cũng tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu tăng cao khi mà các điều kiện đảm bảo an toàn đã bị nới lỏng quá mức.

         - Cơ sở hạ tầng phục vụ thanh toán phân bố chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn… Hệ thống chấp nhận thẻ còn hạn chế, gây khó khăn cho chủ thẻ khi sử dụng hằng ngày. Hệ thống máy chấp nhập thẻ tín dụng (POS) của Việt Nam, hiện đang ở mức thấp nhất thế giới. Ước tính tại Việt Nam chỉ có 1 POS/1.000 người. Số lượng thẻ phát hành tại Việt Nam đang tăng nhanh hơn số điểm chấp nhận thanh toán.

III. Một số đề xuất

         - Thứ nhất, các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ hiện đại đặc biệt là các thiết bị thẻ và mở rộng mạng lưới đơn vị chấp nhận thẻ. Đồng thời đầu tư, mở rộng liên kết, hợp tác trong thanh toán thẻ thông qua việc triển khai toàn diện hoạt động kết nối các hệ thống thẻ để khai thác, tận dụng tối đa nguồn lực đầu tư.

       - Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ thẻ, gia tăng tiện ích và các ưu đãi đối với chủ thẻ, để tăng khả năng thu hút khách hàng và đáp ứng tốt các nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chú trọng phát triển các sản phẩm thẻ thông minh, chuyển đổi dần từng bước từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip chuẩn EMV để đảm bảo an toàn hơn cho các giao dịch tại các đầu đọc thẻ, góp phần giảm chi phí và rủi ro trong phát triển hoạt động thẻ.

        - Thứ ba, không nên quá chú trọng vào việc gia tăng số lượng thẻ mà cần nỗ lực cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ thẻ; Tăng cường các hình thức chăm sóc khách hàng trong và sau khi sử dụng thẻ để gia tăng tỷ lệ thẻ hoạt động thường xuyên.

       - Thứ tư, gia tăng số lượng thẻ phát hành đi đôi với việc tăng cường quản trị rủi ro trong hoạt động kinh doanh thẻ. đáp ứng được các điều kiện đảm bảo an toàn, cần từng bước điều chỉnh giảm lãi suất và các khoản phí để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng thẻ. Việc gia tăng số lượng người sử dụng thẻ và tỷ lệ thẻ hoạt động thường xuyên sẽ giúp ngân hàng giảm được những khoản chi phí không cần thiết mà vẫn giữ được lợi nhuận cao ngay cả khi giảm lãi suất và phí.

        - Thứ năm, đồng mở rộng liên kết với các doanh nghiệp bán lẻ, trường học, các đơn vị đối tác… để gia tăng các ưu đãi và quyền lợi cho khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ. Đây cũng là biện pháp thích hợp để giúp ngân hàng tăng cường sức quảng bá, gia tăng chỉ số nhận biết, nâng tầm và tăng giá trị thương hiệu của mình, nhất là khi liên kết với một doanh nghiệp hoặc các đối tác lớn, có uy tín.

Tác giả bài viết: Lương Hoa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây