Đối với sinh viên Khoa Kinh tế hiện nay thì việc đi làm thêm (part time) đã không còn là một điều lạ lẫm. Chương trình đào tạo của Nhà trường được thực hiện theo học chế tín chỉ, bởi vậy thời gian học tập của sinh viên được sắp xếp rất hợp lý, nếu sinh viên có muốn tìm việc làm thêm cũng không ảnh hưởng đến việc học.
Về lý do đi làm thêm thì có lẽ đối với mỗi sinh viên, có thể sẽ có những lý do cá nhân riêng. Thường thì rất nhiều bạn nghĩ chỉ có những sinh viên gia đình khó khăn mới đi làm thêm, vì họ muốn kiếm thêm thu nhập để giúp đỡ cho gia đình, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ trong việc tang trải học phí, chi phí ăn ở... Nhưng trên thực tế, có những bạn sinh viên gia đình rất khá giả vẫn tìm kiếm những công việc làm thêm ngoài giờ. Điều đó chứng tỏ rằng, ngoài yếu tố thu nhập, có rất nhiều bạn sinh viên muốn làm thêm những công việc ngoài giờ vì họ xem đó như là cơ hội để cọ xát, đi vào thực tế và có thể rèn luyện những kỹ năng, tích lũy những kinh nghiệm mà trường học sẽ khó giúp họ có được.
Hiện nay sinh viên Khoa Kinh tế đang làm thêm tại hệ thống các siêu thị trên địa bàn Thị xã Chí Linh như: Vincom, Lan Chi, 559…; các shop kinh doanh thời trang như: Yody, Fiona…; hay các quán cơm sinh viên…
Sinh viên Khoa Kinh tế với công việc làm thu ngân tại siêu thị Lan Chi
Bạn Lưu Thị Hồng sinh viên ngành Kế toán – Khoa Kinh tế hiện đang làm thu ngân tại siêu thị Lan Chi cho biết: “Em rất thích công việc làm thêm này bởi nó phù hợp với chuyên ngành em đang học. Thời gian làm việc vào các buổi chiều vì lịch học của em được sắp xếp vào buổi sáng. Công việc không vất vả nhưng đòi hỏi em phải nhanh nhẹn hơn, thành thạo máy tính và sử dụng tốt phần mềm kế toán. Hơn nữa, công việc cũng giúp em có được những kỹ năng giao tiếp, thân thiện với khách hàng”.
Làm thêm giúp cho mỗi sinh viên hoàn thiện những kỹ năng cần thiết
Xét về mặt tích cực, khi đi làm thêm, sinh viên sẽ có được một khoản thu nhập, sinh viên sẽ được tiêu chính những đồng tiền do mồ hôi công- sức lao động do chính họ bỏ ra, lúc đó họ sẽ biết trân trọng giá trị của đồng tiền hơn, biết tiêu xài một cách hợp lý hơn. Thứ hai, nếu sinh viên đi làm thêm có liên quan đến chuyên ngành mình đang học thì đó là một cơ hội để sinh viên áp dụng lý thuyết vào thực tế và đúc rút những bài học kinh nghiệm cho mình. Thứ ba, việc đi làm thêm sẽ giúp cho sinh viên gia tăng các mối quan hệ xã hội, cải thiện kỹ năng giao tiếp, các kỹ năng mềm mà trên giảng đường sinh viên sẽ ít có cơ hội được rèn luyện. Thứ tư, việc sinh viên tự đi làm thêm sẽ giúp cho cá nhân đó rèn luyện tính tự lập, trưởng thành hơn và ít dựa dẫm vào người khác… Với những ích lợi đó, sau này khi bước vào môi trường làm việc chuyên nghiệp, sinh viên sẽ không bị bỡ ngỡ và cảm thấy tự tin hơn.
Tuy nhiên, nó cũng sẽ có những mặt tiêu cực. Thứ nhất, có rất nhiều sinh viên vì quá mải mê sa chân vào kiếm tiền mà quên đi mất nhiệm vụ chính của mình vẫn là học tập. Thứ hai là việc làm thêm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc giờ giấc sinh hoạt của sinh viên. Điều này thực sự là không tốt. Ngoài ra, những sinh viên mới bắt đầu làm thêm, còn ít kinh nghiệm có thể bị lừa gạt, bị quịt tiền hoặc có thể là những hậu quả nặng nề hơn. Các bạn sinh viên khi lựa chọn việc làm thêm cần phải thận trọng.
Tác giả bài viết: Lương Hoa
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn